Hát ru con ở Bình Thuận

Hát ru con ở Bình Thuận

BT- Đất Bình Thuận rất giàu câu hát ru con. Nhiều người trước đây đã thuộc lòng nhiều câu hát ru.

Điển hình là mẹ tôi, gốc làng Hội Nhơn, xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc. Mẹ tôi, dì tôi không được một ngày tới trường học chữ nhưng bụng dạ nằm lòng nhiều câu hát ru con.

Hồi nhỏ, tôi được nghe mẹ hát ru các em bằng những câu hát gần gũi với các địa danh thân thuộc:

“Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài/ Xuân Phong nhiều cốm, Phú Tài mạch nha. Ai về Xóm Lụa coi ca. Chợ Dinh coi múa, Sa-ra đá gà”.

 Hoặc là:  “Cò bắt lươn (chớ) lươn trườn vô cỏ/ Lươn bắt cò (chớ) cò bỏ cò bay/Từ ngày xa bạn đến nay/ Đêm đêm tưởng nhớ, ngày ngày trông luôn”/...

Thỉnh thoảng mẹ  hát một vài câu mà theo lời dì tôi đó là mẹ nhớ một thời  “tình trong như đã mặt ngoài còn e với cha tôi”:

 “Lan huệ sầu ai, lan  huệ héo/ Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi/ Một mai cúc ngã lan quỳ/Bậu lo thân bậu, lo gì cho qua”/...

 “Sông dài cá lội biệt tăm/ Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ/ Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”/...

Cũng có khi  biết cha tôi đi  vắng một đôi ngày,  và để dặn ông không được “léng phéng” với ai, trước khi cha tôi dắt xe ra khỏi nhà, mẹ tôi hát ru em tôi:

“Tay bưng dĩa muối, lát gừng/ Gừng cay, muối mặn xin đừng phụ nhau...”.

Cũng có lúc mẹ dạy chúng tôi bằng hát ru:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe/Thức đêm mới biết đêm dài/ Sống lâu mới biết dạ ai thâm trầm/Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…”.

Sau này về ở Phan Thiết, tôi nghe các mẹ ở Bình Hưng, Đức Thắng hát ru con rồi nằm lòng những câu hát phản ảnh tình cảm của trai gái vùng biển:

“Sáng trăng đi gánh cá ve/ Em ngồi bụi dứa lắng nghe anh hò/ Anh về Phan Thiết đưa đò/ Trước đưa quan khách sau dò ý em/ Gỏi nào ngon bằng gỏi cá mai/ Trai nào lịch sự bằng trai lưới rùng/ Gió nam thổi bật quân thùng/ Em còn mơ tưởng trai lưới rùng nữa thôi/ Mãn mùa cá nục xa chà/ Bạn mà xa thợ anh mà xa em…”.

Vài năm gần đây, Hội Phụ nữ các cấp thường tổ chức “Liên hoan hát ru và hát dân ca”, nhằm khơi dậy phong trào hát ru con trong đời sống gia đình. Điều đáng tiếc là số thí sinh hát dân ca nhiều hơn hát ru. Các chị luyện giọng từ các bài hát trên nhạc nền của dàn máy karaoke, và cũng ít phả tâm hồn mình vào điệu hát ru nên dù nghe thật là hay song thiếu sự ấm áp của cái tình.

Hát ru đang cần sự  khôi phục, không phải thông qua những lần liên hoan mà bằng cách làm cho nhiều phụ nữ thấy được rằng: Tiếng hát ru con bằng lời của họ góp phần  làm  hình thành nhân cách, lối sống đẹp của con họ sau này…

Thái Sơn Ngọc

Cập nhật ngày 15-08-2014
Xem tin theo ngày