Biển và… thể thao

Biển và… thể thao

BT- “Biển và thể thao”- Nghe có vẻ… không ăn nhập gì nhau đối với địa phương vùng Nam Trung bộ. Bởi lâu nay, Bình Thuận được biết đến là một trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước. Còn thể thao, dù được quan tâm đầu tư lẫn kỳ vọng rất nhiều, nhưng thành tích thi đấu của các bộ môn dưới nước vẫn chưa thực sự đem lại niềm vui lớn cho người hâm mộ.

Song, nhờ có biển mà Mũi Né gắn với Phan Thiết - Bình Thuận đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng cả nước lẫn trong khu vực chỉ chưa đầy 20 năm phát triển. Từ hoạt động du lịch sôi nổi và điều kiện thời tiết lý tưởng mà các môn thể thao giải trí trên biển được du nhập vào địa phương, dần tạo nên nét đặc trưng cho ngành… Hiện Bình Thuận thu hút rất nhiều khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, trong số đó có không ít người chọn là điểm dừng chân để được thỏa sức với sóng gió và nắng ấm.

Hình ảnh du lịch Bình Thuận ngày càng lan tỏa nhanh chóng ra bên ngoài một phần cũng nhờ hoạt động thể thao giải trí trên biển rất bắt mắt, sinh động. Những môn giải trí như: Lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm… đã trở thành nét đẹp đầy sắc màu và không thể thiếu của ngành du lịch địa phương vào mùa cao điểm khách quốc tế. Rồi cứ thế, hình ảnh này theo thời gian mỗi lúc càng thêm tràn ngập trên các phương tiện thông tin truyền thông ở trong cũng như ngoài nước. Nhờ đó, Mũi Né - cái tên lạ hoắc trước kia giờ đã là thân quen, dễ gọi đối với hầu hết du khách khắp mọi nơi.

Khách du lịch công nhận Bình Thuận đang sở hữu điều kiện vô cùng lý tưởng để đáp ứng cho các môn thể thao giải trí trên biển, mà nhiều điểm đến khác chẳng thể có được. Thời gian qua, ngành thể thao địa phương cũng nhìn ra tiềm năng và lợi thế của một số vùng biển tỉnh nhà, đồng thời phối hợp tổ chức Giải lướt ván tại Mũi Né nhiều năm liền. Còn nhớ trong sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi đây đã từng diễn ra Festival thuyền buồn quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Với quy hoạch này, cả nước sẽ có thêm 5 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, trong đó riêng Bình Thuận được đầu tư theo hướng “Trung tâm Huấn luyện thể thao biển quốc gia”… Việc phát triển hệ thống cơ sở kỹ thuật thể dục thể thao không ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu đào tạo, tập luyện, nâng cao thành tích và đảm bảo khả năng đăng cai tổ chức thành công các giải thi đấu tầm quốc tế.

Đón nhận thông tin này, ông Đỗ Văn Ba - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho rằng: Bộ mặt thể thao địa phương sẽ tiếp tục khởi sắc với những công trình lớn của quốc gia… Vì ngoài Trung tâm Huấn luyện thể thao biển quốc gia Bình Thuận (dự kiến đầu tư giai đoạn 2014 - 2015 khoảng 50/100 tỷ đồng), địa phương còn có Cơ sở 2 thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP. HCM. Trước mắt, theo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Thuận cũng là một trong 3 địa phương trong cả nước được chọn đăng cai tổ chức…

Nhờ có biển mà nước mắm Phan Thiết trở nên nổi tiếng rất lâu đời và vừa mới được công nhận vào Top Đặc sản Quà tặng Việt Nam. Từ thế mạnh du lịch biển, thương hiệu Mũi Né đã và đang là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch cả nước lẫn trong khu vực. Giờ đây cũng chính nhờ có biển với các điều kiện lý tưởng, Bình Thuận được dự báo sẽ trở thành một trung tâm huấn luyện thể thao đặc thù phục vụ cho quốc gia. Và như vậy, thời gian tới địa danh Mũi Né càng quen thuộc hơn với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.                           

 Đ.QUỐC

Cập nhật ngày 24-12-2013
Xem tin theo ngày