Trao đổi

Trao đổi: Bao giờ du lịch Bình Thuận tạo được bản sắc?

BT- Du lịch Bình Thuận trong những năm qua đã tạo nên những thành tích đáng ghi nhận, góp phần làm tăng nguồn thu cho tỉnh nhà, cũng như giải quyết  một lượng lớn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để  ngành thật sự phát triển, tạo nên  bản sắc riêng, cần có sự chung tay đóng góp của nhiều ngành, cũng như trí tuệ của nhiều người, nhiều thành phần trong tỉnh. Báo Bình Thuận  đăng ý kiến sau đây của cộng tác viên Phú Thủy, là cán bộ báo chí của tỉnh đã nghỉ hưu về du lịch Bình Thuận. Có thể ý kiến chưa được sự đồng tình cao của độc giả nhưng sẽ đưa ra những vấn đề cần tranh  luận, và qua tranh luận sẽ góp phần cho du lịch tỉnh nhà  ngày càng phát triển. Chúng tôi cũng mong nhận được các ý kiến phản hồi  sau bài viết này.

Thuyền buồm. Ảnh: Đình Hòa

Chưa tạo nét riêng

Loại hình du lịch của Bình Thuận phổ biến là du lịch nghỉ dưỡng, tập trung ở Hàm Tiến -Mũi Né, còn khu vực Tiến Thành thì chưa phát triển mạnh, mặc dù địa phương này cũng có lợi thế về biển.

Thời gian qua,  ngành du lịch Bình Thuận có cố gắng tuyên truyền quảng bá, tổ chức nhiều hình thức du lịch biển, thu hút được một lượng khách du lịch nước ngoài (phần lớn là Nga), song nhìn chung sản phẩm du lịch của Bình Thuận chưa phong phú, na ná giống nhiều nơi khác, đơn điệu về loại hình, thiếu nét khác biệt, độc đáo. Ngoài hình thức du lịch nghỉ dưỡng, thỉnh thoảng ngành cũng  tổ chức các môn thể thao: Dù lượn, thuyền buồm và phô diễn khinh khí cầu...; liên kết du lịch vùng nhằm phát huy lợi thế du lịch địa phương nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, cũng như  chưa tạo được dấu ấn riêng biệt với du khách và vì thế lại quay lại cách làm cũ: Mạnh ai nấy làm!

Sáng tạo cái riêng

Thiết nghĩ, một  trong những nguyên nhân làm cho du lịch Bình Thuận phát triển chậm, hạn chế thu hút khách du lịch đa quốc gia, đó là ít có sáng tạo để đề ra các giải pháp đột phá và không tạo dựng được nhiều sản phẩm, loại hình du lịch mới, hấp dẫn trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có của địa phương - nhất là biển …

Khắc phục tình trạng trên, ngành du lịch Bình Thuận nên xây dựng thương hiệu du lịch  một cách riêng có, giúp cho du khách hình dung  một cách khái quát các sản phẩm du lịch, những nét nổi bật của nơi mà họ sẽ đến: Có gì hấp dẫn, độc đáo và khác biệt? Điều này sẽ giúp cho họ nhanh chóng đưa ra các quyết định mua sắm và thời gian lưu trú. Bởi các du khách họ không ngại khi phải trả phí dịch vụ cao - mà cái mà họ quan tâm là nơi họ đến có gì khác biệt, độc đáo, thú vị và nơi họ đến  có mang lại cho họ sự trải nghiệm xứng đáng?

Phối hợp  và lắng nghe

Để xây dựng thương hiệu du  lịch mang tính đặc trưng và riêng có, ngành du lịch Bình Thuận cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp du lịch như  là: Hiệp hội Du lịch tỉnh, các chủ khách sạn, chủ các khu du lịch… Các bên liên quan nói trên cần phải ngồi lại để  bàn bạc, hiến kế xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh nhà. Bởi vì không cá nhân nào có thể làm một mình mà thành công và cũng không nên làm một mình vì đặc thù của ngành công nghiệp không khói này muốn thành công phải có sự phối hợp chặt chẽ, phải sáng tạo và năng động từ đó xây dựng chuỗi mô hình hoạt động mang tính liên kết và luôn tạo sự khác biệt, mang dấu ấn riêng - bởi du khách đi du lịch họ đâu chỉ có ăn, ở và  tắm biển... mà họ muốn khám phá các nét truyền thống văn hóa, các phong tục tập quán đặc sắc của từng địa phương. 

 Con đường đưa sản phẩm du lịch đến với du khách họ cần phải trải qua các bước trải nghiệm thực tế: Hình thành sản phẩm - lựa chọn sản phẩm - yêu thích sản phẩm. Nếu làm tốt điều này sẽ là điều kiện thu hút khách du lịch và sẽ mang lại doanh thu cao.

Trong kinh doanh du lịch cần phải nắm bắt nhu cầu của khách để cải tiến chất lượng dịch vụ, lấy khách hàng làm trung tâm để có sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, cần mạnh dạn và sáng tạo tổ chức các tour du lịch biển như: Tổ chức lặn biển, khám phá biển, tổ chức tour du lịch sinh thái ở khu vực núi Tà Cú… các tour du lịch này phải được chuẩn bị chu đáo cả phương tiện lẫn các nhân viên hướng dẫn lành nghề và phải tuyệt đối bảo đảm an toàn cho du khách.

Tránh “ngủ đông”

Nhìn sang các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, du lịch của họ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách, chính vì vậy hơn lúc nào hết ngay từ bây giờ, du lịch tỉnh ta hãy vươn mình tỉnh giấc không nên “ngủ đông” quá lâu, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.

 Phú Thủy

Cập nhật ngày 20-12-2013
Xem tin theo ngày