Du lịch với tàu lửa

Du lịch với tàu lửa

BT- Bắt đầu tháng 7, Ga Phan Thiết sẽ đưa thêm 2 tàu vào phục vụ thường ngày cho người dân theo lộ trình TP. HCM - Phan Thiết; Phan Thiết - TP. HCM  đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương, đặc biệt cho du khách muốn đi du lịch tại thành phố biển xinh đẹp.

 Lựa chọn an toàn

Trước đến nay, nhiều người vẫn còn do dự khi lựa chọn cho mình phương tiện vận chuyển đường sắt, vì thời gian cho lộ trình 200km từ Phan Thiết vào TP. HCM và ngược lại, tốn nhiều thời gian. Nhưng bây giờ, khoảng cách thời gian đã được rút ngắn, khiến lượng hành khách lựa chọn phương tiện này trở nên tối ưu nhất. Dễ nhận thấy nhất, khi vào những ngày cuối tuần lượng khách lựa chọn phương tiện tàu lửa để vào TP. HCM khá đông. Tại Ga Phan Thiết, chúng tôi còn nhìn thấy có cả những đoàn khách du lịch do Vietravel tổ chức, được sắp xếp trong toa tàu có cở sở vật chất tốt nhất. Anh Nguyễn Trung Thành (quận 7, TP.HCM), cho biết: Gia đình tôi đi du lịch đến Phan Thiết vào cuối tuần, ban đầu tôi định sử dụng phương tiện xe bus của những công ty lữ hành, nhưng tình hình tai nạn giao thông khiến tôi e ngại. Sau đó, tôi tìm hiểu thì biết có tàu lửa nên đã lựa chọn để an toàn cho gia đình. Quan trọng hơn thời gian chỉ có 4 tiếng đồng hồ.

Hành khách đi tàu được phục vụ rất tận tình.

Tương tự, anh Trần Văn Minh (nhà ở Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vào thăm mấy đứa nhỏ đi học, giờ không đi xe nữa. Đi tàu lửa vừa nhanh vừa an toàn, lại thoải mái. Có thể mang theo xe máy, giá cả cũng vừa phải. Nếu đi ôtô, kèm theo xe máy phải mất rất nhiều tiền”. Nhiều gia đình, do hoàn cảnh phải thường xuyên ra vô giữa TP.HCM và Phan Thiết nên họ cũng tìm hiểu kỹ khi lựa chọn phương tiện giao thông có lịch sử lâu đời này, “Giá vé dành cho tàu lửa có nhiều loại, ghế mềm máy lạnh có giá 146.000 đồng/vé, nếu hành khách chọn toa du lịch giá vé sẽ “nhỉnh” hơn 176.000 đồng/vé. Nếu tiết kiệm chi phí, việc đi tàu vẫn kinh tế hơn rất nhiều” - chị Thúy Hà nói.

Theo ông Hoàng Thanh Chương - Trưởng Ga Phan Thiết, cho biết: Trước đây chỉ có tàu SPT1 và SPT 2 phục vụ tuyến Phan Thiết - TP.HCM và ngược lại, nhiều khi chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Việc Ga Phan Thiết tăng cường thêm tàu SPT3 và SPT4 vào chạy thường nhật, nhằm góp phần vào thực hiện chủ trương chung của UBND tỉnh  trong việc thúc đẩy du lịch địa phương.

 Bước thử nghiệm... khó khăn

Với chủ trương đồng hành cùng du lịch địa phương, tuyến cũ của tàu PT4/PT3 chạy các ngày cuối tuần giữa Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại được tạm ngừng kể từ ngày 12 - 28/7. Đồng thời, tàu SPT4/SPT3 được lập thêm chạy hàng ngày Sài Gòn - Phan Thiết và ngược lại. Cụ thể, tàu SPT4 chạy Sài Gòn từ ngày 8 -30/7, với lịch trình khởi hành từ Ga Sài Gòn lúc 17 giờ 30 phút, đến Phan Thiết lúc 21 giờ 28 phút (theo hành trình của tàu PT4 hiện hành).Tàu SPT3 chạy Phan Thiết từ ngày 9-31/7, với lịch trình khởi hành từ Phan Thiết lúc 6 giờ 10 phút, đến Sài Gòn lúc 10 giờ 55 phút.

Trước đây, Ga Phan Thiết là nhà ga hành khách của tuyến đường sắt du lịch nối từ Sài Gòn đến Phan Thiết (SPT) hay còn gọi là tuyến đường sắt “Hội Tụ Xanh”. Ngoài ra, đây còn là ga vận chuyển hàng hóa từ Phan Thiết đến Ga Bình Thuận (tên cũ: Ga Mương Mán).Tuy là ga của một thành phố, nhưng ga này vẫn bị coi là “ga lẻ” bởi vì tàu vô Nam ra Bắc đều phải chạy qua Ga Mương Mán, rồi mới đến Ga Phan Thiết nếu hành khách có yêu cầu. Mỗi ngày chỉ có một số tàu dừng bánh và xuất phát tại đây. Từ đây, tàu chạy ra Ga Mương Mán và đón hành khách từ Ga Mương Mán về thành phố. Ngày 29/4/2006, tỉnh Bình Thuận liên kết với Công ty đường sắt mở lại tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết để phục vụ ngành du lịch. Ngày 16/4/2012, tại thành phố Phan Thiết đã diễn ra lễ khánh thành 2 công trình giao thông là Ga Phan Thiết mới thay thế cho nhà ga cũ. Tọa lạc tại xã Phong Nẫm, Ga Phan Thiết mới cách vị trí ga cũ hơn 1.000m, cách quốc lộ 1A 500m và cách Ga Mương Mán khoảng 9km. Thêm một điều thuận lợi nữa, tại Ga Phan Thiết hành khách có nhu cầu mua vé các tuyến Bắc - Nam đều được đáp ứng, không phải trực tiếp đến Ga Bình Thuận như trước.

“Vừa là đơn vị kinh doanh, vừa phục vụ công ích, việc tăng cường cũng gặp không ít khó khăn. Mấy ngày đầu lượng khách ít, không đủ chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành chỉ đạo của UBND tỉnh. Và đây là bước đầu thử nghiệm, nếu ổn chúng tôi sẽ thực hiện lâu dài” - ông Hoàng Thanh Chương cho biết. Chi phí cho mỗi chuyến gần 20 triệu đồng tiền dầu, và hiện Ga Phan Thiết vẫn phải đang chấp nhận bù lỗ. Với bước đột phá này, hành khách sẽ có thêm sự lựa chọn an toàn, tiết kiệm được quỹ thời gian và kinh phí khi sử dụng phương tiện tàu lửa. Với tinh thần phục vụ ngày càng được nâng cao và chuyên nghiệp, hy vọng tuyến đường sắt sẽ ngày càng trở nên gần gũi và thân thiện không chỉ đối với người dân địa phương và du khách.                      

Quang Nhân

Cập nhật ngày 23-07-2013
Xem tin theo ngày