Ký sự hành phương Bắc

Ký sự hành phương Bắc

Kỳ 1: Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang

BT- Mang theo niềm khắc khoải từ câu thơ xưa của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng...”, chúng tôi rủ nhau “về Bắc”, và quyết tâm tìm đến tận mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Và đó quả là một chuyến đi đầy cảm xúc, để lại nhiều ấn tượng khó phai.

Sẽ không bao giờ chúng tôi quên được Hà Giang, nơi mà những địa danh như Quản Bạ, Lũng Cú, Mã Pì Lèng, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc... cứ in sâu vào tâm trí, gợi lên những cảm xúc rất lạ, rất thiêng liêng mà không dễ gì lý giải được.

Cột cờ Lũng Cú.

Trên bản đồ Việt Nam, Hà Giang là mảnh đất nhô lên cao nhất. Trước biển, các mũi đất là nơi chịu đựng nhiều sóng gió, thì cũng vậy, trải mấy nghìn năm chống ngoại xâm, cái “mũi đất” Hà Giang này cũng đã hứng chịu biết bao tàn khốc bạo liệt của nạn binh đao, ấy vậy mà vẫn kiên cường hiên ngang trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Đã từ lâu chúng tôi ước ao được đặt chân lên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Biên cương xa thẳm, nhưng đó chính là nơi thấm đẫm máu trăm miền, là nơi bao thế hệ từ cổ chí kim đã hy sinh xương máu để gìn giữ cho sự bình yên của trăm họ. Phải đi, đi như một sự tri ân, đi để tiếp quản cương thổ quốc gia, đi để khẳng định chủ quyền của một người dân đối với đất nước mình. Sự háo hức khiến chúng tôi quyết định chọn một hành trình nhanh nhất có thể. Vậy là, sáng còn ở Tánh Linh, chiều có mặt ở Hà Nội, và ngay cái đêm đầu tiên trên đất Bắc, chúng tôi đã tròng trành trên chuyến xe đêm ngược lên Hà Giang, để rồi sáng hôm sau đi một mạch lên Lũng Cú!

 Đường lên Lũng Cú

Con dốc Bắc Sum quanh co dài hơn 10km đưa chúng tôi tiến dần lên cao nguyên đá. Hai bên đường, những nương ngô xanh rì men theo dòng suối trong mát, những ngọn núi đá cao chất ngất, những ngôi nhà sàn gỗ của người Tày, đã vẽ nên một bức tranh tươi đẹp đầy sức sống.

Càng lên cao, sự sống càng như kiệm lại. Những nương ngô như tấm áo nhà nghèo, không đủ để che đi cái màu xám xịt của núi đá. Tuy nhiên, đây đang là mùa hè, mùa của cây cối tốt tươi, chứ về mùa đông thì cả cao nguyên mênh mông chỉ xám ngắt một màu của đá và đá. Sơn, một chàng trai Tày cao to trắng trẻo, là Giám đốc Công ty du lịch CND - người bạn đồng hành cùng chúng tôi - đã giới thiệu ngắn gọn về quê hương mình như thế. Với chất giọng trầm ấm và rất chuẩn, Sơn liên tục cập nhật kiến thức cho chúng tôi về mảnh đất Hà Giang này.

Qua những đoạn cua vòng vèo ngoắc nghéo liên tục của đèo Yên Minh là đến thị trấn Yên Minh. Chúng tôi dừng chân ăn trưa ở nhà hàng Phúc Cái. Nhà hàng ở đây thật đúng với nghĩa đen của nó, ấy là trong “nhà” có bán “hàng”… Bữa cơm trưa ở nhà hàng Phúc Cái cứ như bữa cơm trong gia đình, chủ nhà và khách cứ chuyện trò như những người bạn thân thiết. Cạnh bàn ăn là bộ xa-lông cũ kỹ với chiếc điếu cày và bộ ấm chén đã lên màu thời gian. Chủ nhà giục, vội gì thì cũng tranh thủ cạn chén, chứ lên đến đất Hà Giang mà không nhắm chén rượu ngô thì phí cả quãng đường!

Bữa cơm trưa vội vã với món heo đen quay vàng ruộm, dĩa cá suối chiên, tô canh rau cải mèo và đọt lá su su luộc; sợ không kịp thời gian nên chẳng thể rề rà với chén rượu ngô ủ men lá, chúng tôi lên đường trong sự lưu luyến của người chủ nhà vui tính và hiếu khách.

Rời thị trấn Yên Minh - cái tên gợi nên sự yên bình và sáng sủa - chúng tôi tiếp tục leo đèo. Chỉ qua vài khúc quanh, ngoái nhìn lại, thị trấn bé như bàn tay đã nằm dưới thung sâu hun hút. Ở đây đường đi chỉ bám vào sườn núi đá, vì núi tiếp núi, đá chồng đá, họa hoằn lắm mới có chút đất bằng thì đó chính là khu dân cư tập trung, là thị trấn, thị tứ. Theo lời Sơn, nơi đây rất ít bị tác động bởi thiên tai, và Yên Minh bao giờ cũng được hiểu theo nghĩa ấy.

Cột cờ Lũng Cú

Cách TP. Hà Giang chỉ chừng 70km đường chim bay, vậy mà chúng tôi phải ngồi ô tô từ sáng đến tận xế chiều mới tới được Lũng Cú! Lũng Cú nằm trên tận cùng cái chóp nhọn của Tổ quốc, nên có đến ba mặt giáp với Trung Quốc. Cột cờ Lũng Cú được xây trên đỉnh đồi, nên từ xa chúng tôi đã nhìn thấy, và sự háo hức cứ lớn dần theo quãng đường ngắn lại. Xuống xe, đứng lặng người ngước nhìn lên đỉnh cột cờ lộng gió, một niềm vui sướng, một cảm xúc thiêng liêng khó tả cứ dậy lên trong lòng. Trong cái gió dịu nhẹ của buổi chiều nơi miền biên viễn, lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn vẫn phần phật bay. Gió biên cương hiền hòa thì cờ bay dịu nhẹ, nhưng hễ gió càng cuồng nộ, cờ càng bay hiên ngang. Phải chăng, đó chính là tinh thần, là thái độ của người dân nước Nam qua bao cuộc trường chinh giữ nước?

Có phải niềm vui háo hức lấn át đi sự mệt nhọc chăng, nên leo hàng trăm bậc đá lên cột cờ Lũng Cú mà dường như chẳng ai thấy mệt. Cô Vân Anh - người thuyết minh tại cột cờ Lũng Cú hôm ấy trong trang phục sặc sỡ của người Lô Lô cứ liên tục động viên mọi người, và tuyệt nhiên chẳng thấy ai dừng nghỉ trên suốt đoạn đường dốc với 389 bậc thềm đá ấy.

Lũng Cú, theo các nhà nghiên cứu thì chính là cách gọi trệch đi của hai chữ “Long Cổ”, tức là trống của vua. Tương truyền, cột cờ Lũng Cú đã có từ thời Lý và được làm bằng cây sa mộc, nhưng đến thời vua Quang Trung thì nơi đây mới được đặt một chiếc trống lớn, cứ mỗi canh giờ  lại gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Nghe Vân Anh bảo, Trung Quốc đặt một chiếc camera rất lớn để theo dõi mọi hoạt động của ta ở vùng biên Lũng Cú, nhiều du khách đã vẫy tay chào chiếc camera, rồi lại ngẩng đầu lên thành kính ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ thắm đang phần phật bay trong màu xanh bất tận của bầu trời. Một thông điệp quá rõ ràng nhưng không hề kém tinh thần hữu nghị!

Lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao Lũng Cú có kích thước 6m x 9m, diện tích đúng bằng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em nước Việt. Cột cờ có hình dáng tương tự như cột cờ Hà Nội. Sáu mặt chân đế đều có chạm khắc phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Với độ cao trên 1.700m, Lũng Cú đêm ngày lộng gió, và tiếng cờ bay phần phật suốt đêm ngày như làm thay cho công việc tiếng trống giữ nước của tiền nhân.

Chúng tôi may mắn đến được Lũng Cú vào lúc thời tiết đẹp nhất khi cơn bão số 2 đã tan. Trong mênh mang chiều Hà Giang, trong cái nắng vàng rươm tháng sáu, trong cái gió ràn rạt ở độ cao ngàn mét, sao cứ nghĩ mãi về cuộc sống nơi lưng chừng trời của bà con nơi đây, chợt rưng lòng khi cảm nhận được cái tình cảm sâu sắc của người dân Hà Giang với quốc gia, dân tộc. Trên cao nguyên đá khắc nghiệt này, ngoài chuyện mưu sinh, người dân nơi đây còn có sứ mệnh cao cả hơn nhiều: đó là việc trụ lại cùng với nắng, với gió, với đá cao nguyên để giữ nguyên cột mốc chủ quyền của đất nước…

Nam Hưng - Lương Văn Lễ

Kỳ 2: Sau cổng trời Quản Bạ

Cập nhật ngày 19-07-2013
Xem tin theo ngày