Đặc sắc Lễ hội cầu ngư ở Phú Quý
Đặc sắc Lễ hội cầu ngư ở Phú Quý
BTO- Huyện đảo Phú Quý được
biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du
lịch. Mùa Hè này nhiều du khách đang lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ lãng mạn và
đầy thú vị xen lẫn niềm háo hức khi lần đầu đến với đảo Phú Quý.
Ngoài thảm thực vật và rạn san
hô đa dạng, hiện Phú Quý có nhiều bãi tắm hoang sơ thu hút du khách như vịnh
Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi dọc doi Mộ Thầy Nại. Bên cạnh
đó, với hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa cũng như các lễ hội gắn với tâm
linh và phong tục tập quán của người miền biển, loại hình du lịch – văn hóa ở
đảo Phú Quý cũng đang được nhiều du khách quan tâm. Phú Quý có 34 cơ sở thờ tự,
tín ngưỡng, trong đó có 2 di tích lịch sử-văn hóa quốc gia là chùa Linh Quang và
Vạn An Thạnh. Riêng loại hình kiến trúc lăng vạn thờ thần Nam Hải (cá voi) đã có
10 vạn thiết chế ven đảo. Trong số 10 vạn nói trên, phải kể đến các vạn có kiến
trúc đẹp: vạn Thương Hải, vạn Quý Thạnh, vạn Phú Thạnh, vạn Liên Thành và vạn An
Thạnh. Trong đó Vạn An Thạnh ở xã Tam Thanh nổi bật lên với các giá trị: là di
tích có niên đại sớm nhất trong các ngôi vạn ở đảo Phú Quý; là di tích có bộ
xương cá voi lớn nhất ở đảo được thờ tự tại đây; là di tích có số lượng sắc
phong do triều đình nhà Nguyễn cấp nhiều và sớm nhất ở đảo Phú Quý và là nơi lưu
giữ và duy trì nhiều lễ nghi nguyên gốc thuộc văn hóa dân gian trên đảo, trong
đó lễ hội cầu ngư là di sản văn hóa đặc sắc với nhiều ý nghĩa về lịch sử và văn
hóa tín ngưỡng. Lễ hội Cầu ngư ở Phú Qúy được phục dựng một cách khá công phu
nhằm giới thiệu đến người dân và du khách một cách có hệ thống lễ hội Cầu ngư
xưa. Qua đó, làm sống lại nét văn hóa tâm linh của người dân sinh sống ở miền
biển.
Xem clips
Một điểm chung về văn hóa tâm
linh tín ngưỡng trong 10 vạn thờ là tất cả các vạn đều có và duy trì lễ hội cầu
ngư, nhưng với mức độ và quy mô khác nhau, diễn ra ở những thời điểm khác nhau.
Do vạn An Thạnh được xây dựng sớm hơn và có những lợi thế so sánh khác về lịch
sử, văn hóa nghệ thuật… nên cũng được coi là vạn đứng đầu về mọi mặt so với các
vạn khác ở đảo. Vì vậy, các lễ nghi, lễ hội diễn ra ở đây đều mang nhiều ý nghĩa
quan trọng cho cộng đồng cư dân trên đảo.
Lễ hội cầu ngư ở vạn An Thạnh
được tổ chức vào hai ngày 7, 8/5/2013 (28, 29/3 âm lịch) là ngày giỗ ông bà lớn
(ngày phát hiện cá voi lớn lụy (chết) và được chôn cất). Lễ hội cầu ngư ở đây
được duy trì từ lâu đời và năm nào cũng được tổ chức. Năm nay các nghi lễ trong
lễ hội cầu ngư đã được thực hiện trang nghiêm theo nghi thức tế đại (đại lễ).
Trọng tâm là tập trung cho việc khôi phục lại nghi lễ tổ chức đoàn thuyền lễ ra
khơi nghinh rước ông Sanh (thần Nam Hải) trên biển về vạn. Theo thứ tự thời
gian, các lễ nghi bắt đầu từ 19h ngày 7/5 (28/3 ÂL) và kết thúc lúc 13h ngày 8/5
(29/3 ÂL). Theo chương trình có gần 20 lễ nghi liên tục diễn ra, mở đầu là lễ
nghệ sắc, lễ nghinh thần, lễ nghinh tiền hiền, lễ nghinh rước thần Nam Hải… Tất
cả các lễ nghi đều được Ban lâm tế điều hành nghiêm túc, trang nghiêm.
Ấn tượng nhất là lễ nghinh rước
thần Nam Hải từ biển khơi về vạn An Thạnh. Đúng giờ xuất phát, đoàn ghe, thuyền
đi theo đội hình ra khơi, trông thật lộng lẫy và hoành tráng, Lễ nghi thực hiện
xong, mọi người cảm thấy thỏa mãn, và ai cũng tin rằng thần Nam Hải đã nghe
thấy những lời cầu khấn, mời lễ của họ và đang lặng lẽ theo đoàn ghe, thuyền về
dự lễ hội. Xong lễ ngoài khơi, đoàn ghe, thuyền đi về với đội hình thật đẹp.
Thông qua lễ hội cầu ngư, nhằm
giới thiệu nét độc đáo của văn hóa lễ hội đến với du khách; khai thác có hiệu
quả các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn liền với việc quảng bá, phát triển du
lịch, góp phần đa dạng hóa các tour du lịch ở Bình Thuận dưới góc độ văn hóa du
lịch nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với đảo Phú
Quý.
Lê
Quang