Hội thi văn hóa dân gian truyền

Hội thi văn hóa dân gian truyền thống Chăm: Rộn ràng và sâu lắng

BT- Những ngày qua, Trung tâm trưng bày văn  hóa Chăm Bình Thuận rộn ràng với hội thi các môn văn hóa dân gian truyền thống Chăm năm 2012.

Những đội tham gia đến từ các xã Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Thanh, huyện Bắc Bình và xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Mỗi đội cử các thí sinh thi nắn sản phẩm bánh gừng và thi viết chữ chăm truyền thống.

Trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận, bánh gừng chính là loại bánh mang một âm hưởng truyền thống độc đáo. Bánh được gọi tên như vậy là vì có hình dạng giống củ gừng. Đây là một loại bánh được làm bằng bột nếp, trứng vịt, đường cát theo một tỉ lệ nhất định. Sau khi trộn đều các nguyên liệu trên thành một khối bột dẻo có màu vàng lợt của lòng đỏ trứng sẽ đến công đoạn không kém phần quan trọng đó là nặn bánh. Từ khối bột dẻo sẵn có, với đôi tay khéo léo của các nghệ nhân Chăm, hình dạng những chiếc bánh từ từ hiện ra. Thời gian cho phần thi này là 2 giờ đồng hồ, nhưng với sự điêu luyện của mình, các đội đã nhanh chóng tạo ra nhiều sản phẩm với các hình dạng phong phú và đẹp mắt. Sau khi tạo hình cho bánh, các đội thi khẩn trương chiên vàng bánh gừng trong chảo dầu. Khi bánh chín đều còn được phủ lên một lớp đường cát trắng đã thắng tới. Bánh gừng bây giờ như được khoác lên một chiếc áo rất đẹp.

Theo phong tục Chăm, bánh gừng có mặt trong tất cả các lễ hội lớn và quan trọng. Đặc biệt nhất là trong lễ cưới, lễ hội, tết Katê, bánh gừng là một trong những lễ vật không thể thiếu với ý nghĩa  tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng.  Bánh gừng  hấp dẫn bởi chính hương vị: thơm ngon, giòn, cay; cùng với việc trưng bày lễ vật có hình thức đẹp, đội Phan Thanh 2 đã đạt giải nhất ở phần thi này và giải nhì thuộc về đội Phan Hiệp.

Sau phần thi nắn bánh gừng là cuộc thi viết chữ Chăm truyền thống. Sau khi ban tổ chức  đọc một đoạn văn, thành ngữ hoặc một câu châm ngôn bằng tiếng Chăm có nội dung liên quan đến tập tục Katê. Các thí sinh sẽ viết bằng tiếng chăm và dịch ra tiếng việt trong thời gian 10 phút. Những bài viết đúng chính tả, viết nhanh, chữ đẹp, dịch đúng nội dung đã góp phần giữ gìn các loại hình văn hóa phi vật thể của người Chăm.

Không chỉ thế, đến với hội thi du khách còn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật dệt và nặn gốm thủ công truyền thống; tham quan gian trưng bày hiện vật liên quan đến lịch sử các đời vua chúa chămpa. Đồng thời còn được tìm hiểu về cách trang trí hoa văn cổ Chăm. Tất cả tạo nên không khí ngày hội rộn ràng, hòa nhịp cùng sắc màu lễ hội Katê Chăm năm 2012 và người xem cảm nhận sự sâu lắng của một nền văn hóa.                

  Tương lai

Cập nhật ngày 01-11-2012
Xem tin theo ngày