Đaguri
Đaguri, quyến rũ trong mắt ai!
BT- Đaguri là tên một thôn của xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc). 10 năm trước, chẳng mấy
người nhớ, vì khi ấy Đaguri còn khá buồn tẻ. Dọc theo con đường chính (từ huyện
lên) và con đường chạy vào lòng hồ Đa Mi, chỉ có hai dãy nhà, đa phần là nhà lá,
thưa thớt, lèo tèo vài hàng quán. Ban đêm điện đóm phập phù. Cả thôn chỉ có một
chỗ cho khách trọ với giá 30 ngàn một đêm, nhưng không đủ nước dùng.
|
Một góc thôn Đaguri ngày nay |
Gần đây Đaguri được nhiều người biết. Biết đến không phải vì sự nổi tiếng của
giống cá tầm do Công ty Tầm Long nuôi tại hồ Đa Mi, mà vì Đaguri trở thành điểm
giữa của đường nối Bình Thuận với Nam Tây nguyên. Tại đây, người ta có thể theo
quốc lộ 55 ngược về Tánh Linh hoặc theo đường đèo qua Bảo Lâm (Lâm Đồng). Đaguri
trở thành nơi hội tụ của người từ miền Tây lên, các tỉnh ngoài Bắc vào. Họ đến
đây mua đất lập trang trại, biến cái chợ thôn nhỏ bé ngày nào thành nơi cung cấp
trái cây các loại. Người ở đông thì tự khắc sinh nhu cầu. Nhu cầu ăn, mặc và
thưởng thức cái đẹp. Trong buổi sáng mai của những ngày này, khi con đường về
Bảo Lâm, xuống huyện Hàm Thuận Bắc còn mờ hơi sương, mọi vật tưởng chừng như
ngái ngủ thì mấy cái hàng quán ở ngã ba đã mở cửa bán hàng. Khách có thể là
người từ đồng bằng lên ngủ qua đêm ở Đaguri để sáng mai đi tiếp; hoặc từ Bảo Lâm
vừa đi chuyến xe sớm sang. Chủ những hàng phở, bún riêu bốc khói ở Đaguri vốn là
những người bán hàng ăn chuyên nghiệp bao giờ cũng nhiệt tình. Bao giờ sau khi
mang thức ăn ra họ đều nán lại một lúc để hỏi thêm: sương dày, anh (chị, chú,
bác) có lạnh không? Nếu lạnh, chúng tôi có sẵn trà nóng… Chỉ cần câu hỏi đó
thôi, khách thấy ấm lòng. Mà Đaguri đâu chỉ có thế! Điều ngạc nhiên ở thôn này
là những quầy bán hoa. Hoa Đà Lạt, hoa từ Phan Thiết đưa lên. Hoa vàng làm bùng
lên vẻ tươi tắn của cái chợ miền núi. Một chị bán hoa cho biết: Nhiều người
chuộng hoa Đà Lạt. Người ta mua hoa về để cúng kiếng ông bà ngày 30, mùng một và
cũng để chưng trong nhà. Chợ Đaguri vì vậy không ngày nào không có hoa tươi Đà
Lạt. Đặc biệt vào dạo gần tết, hoa hướng dương, mãn đình hồng cũng được đưa về
bán ven con đường chạy vào hồ Đa Mi.
Đaguri đang đổi thay và quyến rũ du khách bởi cái vẻ mơ màng khó tìm thấy của
một thôn miền núi. Nếu là người nhàn du, ngủ lại Đaguri một đêm, sáng mai ra,
bạn sẽ bất ngờ về những điều tưởng chỉ có ở đồng bằng, chẳng hạn như tiếng rao
“bánh mì đê ê… ê” của người nào đó dọc theo lộ chính, cũng như không hiểu vì
sao bánh mì lại có sớm ở nơi này?
Hà Thanh Tú