Thuyền thúng trên bờ biển La Gi
Thuyền thúng trên bờ biển La Gi !
BT- Dọc dài bờ biển 28 km của
thị xã La Gi vẫn tồn tại các bến thuyền thúng nằm trên bãi ngang ở Cam Bình, Hồ
Tôm, Tân Long, Bàu Dòi, Ba Đăng… Nhưng tập trung nhiều nhất là bến Bàu Dòi (Tân
Tiến) và Cam bình (Tân Phước) với
gần 300 chiếc. Mùa bấc rồi chuyển sang giêng, biển động mạnh, thuyền máy đánh
khơi xa phải nằm chờ, thì nghề thuyền thúng lại đắc dụng với mặt nước biển gần
bờ bằng lưới nậu, lưới rê vài sải tay. Với mùa giêng này loài cá nhiều nhất chạy
ngoài chân sóng là cá trích, cá đục, cá hanh, cá đối… Riêng ở Tam Tân thì có
giống tôm bạc có chất thịt chắc đậm nhưng nay gần như biệt dạng. Thời gian
thuyền thúng tung lưới vào buổi chập sáng đến khi mặt trời lên thì kéo thúng lên
bờ. Ở bãi Cam Bình khác hơn các nơi là dùng xe bò một con ra bãi biển, tháo dây
ách bò, hạ thùng xe để đẩy thúng lên đưa vào mô cát cao. Nhiều con bò quanh năm
quen với đất ruộng vậy mà tỏ ra thành thạo, chỉ một thao tác hất sừng cho càng
xe đặt vào cổ rất nhẹ nhàng. Cái cảnh thường thấy trước đây là phải bốn năm ngư
phủ ra sức hì hục choàng dây đai nhấc bổng thúng chuyển lên bờ xa hàng trăm
bước.
|
Ảnh: Đ.H |
Hình ảnh chiếc thúng câu muôn
thuở nằm phơi trên bờ biển đã đi vào tâm khảm của người dân ở đây mang nét đan
thanh của những vòng tròn tựa vành trăng rằm… không thôi tiếng sóng dạt dào.
Trước đây không lâu, thuyền thúng đúng nghĩa là thúng chai bởi đan bằng nan tre,
phủ lớp dầu rái trộn bột chai rừng với phân bò khô chống được nước thấm vào.
Nhiều ngư phủ nhớ lại mà rùng mình, khoảng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước,
với những chiếc thúng chai xếp lớp trên con thuyền câu ra biển mỗi đêm, rồi được
bỏ xuống để tự bơi theo con sóng bập bềnh mà rải thẻ làm mồi vớt mực. Một thân
một thúng với ngọn đèn măng-xông sáng lên nhưng đâu có dễ dàng, lúc gặp cơn gió
chướng thổi chao nghiêng, đèn tắt lại phải lụi hụi bơm dầu tiếp tục. Có hôm sóng
lớn đánh dạt xa thuyền trôi lạc, thuyền chủ phải quay về báo tin là mất tích. Có
người may mắn được cứu sống từ vùng biển nơi khác xa hàng trăm hải lý, rồi cũng
phải bám nghề. Cho nên thúng chai còn là hình tượng chén cơm chan đầy nước mắt
của người dân xứ biển quê xưa.
Những năm sau này, thuyền
thúng cũng bằng chất liệu nan tre, phải là loại tre mỡ và vành thúng bện bằng
loại tre đực (thân có nhiều mắc gai). Nhưng không sử dụng lớp phủ bột chai mà
thay bằng vải nhựa có sức bền như composite. Ngày nay ít có thuyền thúng phải
chèo bằng tay vì mỗi thuyền đều gắn máy cưỡi sóng thênh thang. Những lão ngư thì
lại cho rằng thúng xưa tuy vậy mà đằm hơn, có độ bền, dù sóng nhóc đẩy lên không
dễ gì bị lật như thuyền lợp mủ nhựa bây giờ. Tuổi thọ của thuyền thúng chỉ 3 - 4
năm nhưng chỉ phải đôi ba triệu đồng cũng vừa với khả năng của những gia đình
nghèo sống bằng nghề bờ. Anh Lê Văn Nam, sống ở Thôn Cam Bình, xã Tân Phước (La
Gi), theo cha mẹ từ Quảng Trị vào đây, lật đất trồng mì và chăm khoảnh ruộng
nhỏ, thấy quanh quẩn chừng ấy làm sao nuôi được bầy con 5 đứa thiết tha cái sự
học. Anh mày mò và là người duy nhất làm ra những chiếc thuyền thúng kết hợp với
cách làm truyền thống, lớp bọc bằng mủ nhựa mà giá không cao. Đến nay đã mười
năm, trên miếng đất gần một mẫu của gia đình, có ngôi biệt thự nguy nga trên 3
tỷ đồng và cạnh nhà vẫn là một xưởng sản xuất thuyền thúng, sực nức mùi keo giữ
bền cho vỏ thúng. Nguồn cá biển gần bờ cũng có hạn, số lượng thuyền thúng được
các nơi trong thị xã đặt hàng cũng có phần giảm. Nhưng các con anh học hành đến
nơi đến chốn, kinh tế gia đình cũng đủ để gọi bằng lòng.
Việc làm ăn cũng như nghề
thúng chai hay thúng mủ, cũng có lúc phải đổi thay là chuyện đương nhiên. Từ chỗ
là bến đậu của thuyền thúng rồi chuyển dần là chợ cá bờ nhưng chỉ nhóm cùng buổi
thuyền thúng lên bờ. Bán vội bán vàng cho người thu gom, cá vụn thì cho hàng xóm
diễn ra vài giờ là chợ tan. Ở bãi Cam Bình khách du lịch có thể mua ngay những
con cá, tôm còn tươi sống trên rổ và đưa vào quán nhờ chế biến nướng, luộc hay
nấu canh… đã trở thành hương vị đặc sản ở đây từ nhiều năm nay. Rồi đây, một khi
các dự án du lịch phát triển thì các bến thuyền thúng này phải chuyển đi sẽ là
điều khó khăn do sự gắn bó tập quán lâu đời của nghề biển địa phương.
PHAN CHÍNH