Bàu Dòi

Bàu Dòi, không còn nữa!

BT- Đây là một địa danh lâu đời thuộc địa bàn thôn Hiệp An, xã Tân Tiến (La Gi) ngày nay. Bàu Dòi nằm xa khuất xứ đạo Hiệp An, nép mình bên trong động cát cao nối với rừng dương phòng hộ Sở Dương 2 được trồng từ khoảng năm 1938 dưới thời Pháp thuộc. Đây là một khu đầm trũng tích tụ bởi nguồn nước của các con suối nhỏ từ chân Núi Đất và suối Cây Chanh, ước chừng mặt nước vào mùa khô vẫn lên đến trên 20 ha. Nhờ đó đã hình thành cánh đồng ruộng Hiệp An luôn xanh tốt, ngày trước có sở ruộng của nhà tư sản ở Phan Thiết là Thông Kỳ. Từ năm 1958, dưới chế độ cũ khi vừa lập tỉnh Bình Tuy đã đưa thêm một số dân gốc từ Nghệ Tĩnh đang sống tạm cư ở Long Thành ra đây lập nên ấp Hiệp An. Tuy cách bờ biển bằng dãy động nhưng có lợi thế nguồn nước thiên nhiên quanh năm nên cư dân đều sống bằng nghề nông.

Ngày trước, đầm nước Bàu Dòi như một khu rừng kỳ bí vì vào mùa mưa nước từ nguồn đổ xuống, cây rừng dày đặc chìm ngập trong nước mênh mông, nhiều nhất vẫn là cây tràm...  Đáy hồ đầy rễ cỏ năng, người dân đồn đãi là đất không chân.Trong số các bàu lân cận như Bàu Thông, Bàu Cái, Bàu Giêng, Bàu Nu thì Bàu Dòi có diện tích lớn gấp nhiều lần và nguồn nước tự nhiên khá ổn định. Năm 1993, có một hiện tượng khác thường khi nhiều người từ chợ La Gi kéo nhau lên cùng xe tải nhỏ, xe máy băng ruộng tràn vào khu bàu để nhổ cây mai chiếu thủy về làm bonsai, kiểng vườn. Cơ quan lâm nghiệp phải ngăn chặn vì chỉ mấy ngày thôi mà cây cối ở đây bị dẫm nát, xác xơ. Thực ra giống mai chiếu thủy ở đây cũng có cánh màu trắng, hương thơm nhưng thân cây lớn, bộ rễ đẹp mê hồn khó mà tìm thấy ở mai chiếu thủy vườn nhà. Người dân địa phương còn coi đây là vựa cá đồng trời cho, nhiều nhất là cá trê, cá lóc, cá rô… Địa danh Bàu Dòi qua lời truyền khẩu, vì bàu nước rất nhiều cá nên cũng là nơi chim muông về đây trú ngụ bắt cá kiếm mồi. Khi mùa nắng hạn, mực nước rút xuống để trơ ra những ao tù xung quanh bị cạn khô, cá chết sình thối sinh ra bọ dòi lúc nhúc. Từ cách đặt tên của người dân địa phương theo hiện tượng sự vật làm nên địa danh Bàu Dòi.

Bàu Dòi trở thành điểm khu trú cuối cùng của các dòng suối do bị chắn ngang là động cát cao nên độ thẩm thấu thoát ra biển không đáng kể. Cũng từ đặc điểm này mà tạo nên địa danh Nước Nhĩ ở bờ biển La Gi, phía đoạn đầu của Đồi Dương (Bình Tân). Giếng Nước Nhỉ là cách gọi của người dân vùng biển nơi này từ thuở xưa lúc chưa có lộ giao thông, người dân La Gi chỉ đi dọc bờ biển lên Tam Tân, Phong Điền hoặc ra Phan Thiết và thường nghỉ chân tại đây để tắm táp rồi lấy nước ngọt mang theo. Thật kỳ diệu khi mạch nước ngọt ẩn mình dưới những lùm dứa xanh chỉ cách mép sóng biển mặn chừng vài chục mét.Trước năm 1945, những hướng đạo sinh của Hàm Tân đã chở gạch đá đến xây làm cái giếng rồi đặt tên là giếng Nguồn Chung. Về địa hình thì vị trí mạch nước ngọt này nằm lệch với Bàu Dòi khoảng gần cây số, cách nhau dãy động cát cao. Đây chính là nguồn nước từ Bàu Dòi thẩm thấu qua động cát và trút dần về phía trũng thấp ra biển.

Con đường du lịch ven biển từ Đồi Dương (Bình Tân) nối với ngảnh Tam Tân (xã Tân Tiến) dài 7 km vừa hoàn thành cuối năm 2015, chạy ngang Bàu Dòi. Bây giờ mặt bàu đã bị thu nhỏ lại chỉ còn khoảng 4 ha. Nhưng bên cạnh đó là ao tôm, đất nền vườn và phía chân động lưa thưa những cây chồi còn sót lại. Hỏi ra là các hộ dân tuy ở nơi khác nhưng đã có đất khu vực này đang làm sổ đỏ. Nếu tận mắt thấy bản đồ quy hoạch đường giao thông du lịch của huyện Hàm Tân được lập từ năm 2001, trong đó có đoạn đường qua Bàu Dòi. Khi đó gần như còn nguyên vẹn cảnh quan sinh thái với bàu nước trong xanh mới thấy sự vô tình của những nhà quy hoạch và trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai của địa phương. Đã biết làm đường phục vụ du lịch tất nhiên phải nhìn ra tổng quan tiềm năng du lịch, nhưng với một khu bàu đầy nước mênh mông, với một cánh rừng nguyên sinh như báu vật của thiên nhiên đặt bên bờ biển đẹp như thế mà không chút gì lay động để rồi nay trở thành một hồ nước đang bị chia năm xẻ bảy mới lạ lùng. Địa danh Bàu Dòi, trên thực tế không còn nữa cũng có nghĩa tự đánh mất đi một cảnh quan du lịch sinh thái quý giá ở La Gi.

PHAN CHÍNH

Cập nhật ngày 16-02-2016
Xem tin theo ngày