Nghĩ về du lịch tâm linh Tà Cú
Nghĩ về du lịch tâm linh Tà Cú
BT- Tà Cú, Tà Cú
Nhạc trên cây và
họa trên mây
Tà Cú, Tà Cú
Tiếng chuông…
bồng bềnh những chiều say…
Tôi sống dưới chân núi Tà Cú đã lâu,
có duyên nên mê, có duyên nên say, có duyên nên nhiều lần góp tiếng nói nhỏ nhoi
của mình suy tôn những giá trị đặc biệt của quần thể chùa do Tổ Hữu Đức dày công
khai sơn từ năm 1870. Và tôi cũng đã nhiều lần nghĩ ngợi về vấn đề phát triển
du lịch tâm linh như là một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn các bậc tiền
bối tâm trong, đức trọng đã gieo mầm và xiển dương Phật pháp (ngoài Tổ khai sơn
còn có các đệ tử truyền thừa: Tâm Tố, Tâm Hiền, Thanh Minh, Quảng Thành, Tường
Vân, Ân Tâm, Thục Thọ, Minh Nhật…), và tôi nghĩ nếu phát triển quá trình du lịch
tâm linh đạt tới chiều sâu, tinh tế mới thực sự là giải pháp đáp ứng đời sống
tinh thần, tâm linh cho Phật tử thập phương và cho cả bá tánh hướng quy chân
thiện.
|
Tượng Phật nằm 49m lớn nhất Đông Nam Á.
Ảnh: Ngọc Lân |
Việc thụ hưởng, đưa vào điểm nhấn,
xem như là sản phẩm du lịch tâm linh các di sản vật thể và phi vật thể ở núi Tà
Cú những năm qua đã mở ra cơ hội kết nối các điểm, các tuyến du lịch tâm linh
trên cả nước và khu vực; tạo nên sự hỗ trợ cho bảo tồn quần thể Chùa núi vốn
mang các yếu tố đặc sắc, thu hút, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho nhân dân Hàm
Thuận Nam và cho cả tỉnh nhà.
Du lịch tâm linh thực chất là du
lịch văn hóa, lấy yếu tố tâm linh (đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng…) làm chủ đạo,
ưu tiên cho các hoạt động tinh thần, cả về cơ sở lẫn mục tiêu. Những năm qua du
lịch tâm linh trên cả nước phát triển mạnh mẽ, dần đi vào những định hướng bền
vững. Ở Bình Thuận, ít nhiều có sự chuyển động, đã thu hút một lượng không nhỏ
du khách đến các điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào số lượng du khách
tăng so với trước đây mà không có cái nhìn so sánh với tỉ lệ tăng trưởng du
lịch của nhiều tỉnh, thành trong cả nước thì đó chỉ là sự bằng lòng cảm tính.
Nên có sự so sánh đánh giá để khắc phục các tồn tại, tìm ra cơ hội để phát triển
mạnh du lịch, nhất là du lịch tâm linh ở những nơi có điều kiện. Ta có thể nhìn
rõ việc này tại Khu du lịch núi Tà Cú. Tại đây, tỉnh đã có đầu tư cáp treo,
phòng ốc, nhà ăn… nhưng theo tôi vẫn có điều gì đó chưa thật sự đầu tư theo
hướng phục vụ du lịch tâm linh. Ví dụ: Giữa một tâm điểm tín ngưỡng Phật giáo
lớn như khu chùa Linh Sơn Trường Thọ thì cửa hàng ăn uống sao không phải là nơi
thuần phục vụ các món ăn chay!? Được ăn chay, tự nguyện ăn chay, hướng tâm vào
cõi thiện giữa chốn non cao, theo tôi nghĩ là trải nghiệm, là hạnh phúc với du
khách khi họ đặt chân lên núi Tà Cú.
Tôi không dám nói chúng ta đặt nặng
lợi ích kinh tế mà đã hơi coi nhẹ các yếu tố tinh thần liên quan, nhưng quả thật
hình ảnh một quán mặn đậm mùi thịt thà ngay nơi quy hướng tâm linh là điều cần
suy nghĩ.
Sự chiêm bái, củng cố đức tin, thanh
lọc tâm hồn, hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, nếu đi vào thực chất, nếu
đạt đến mức tinh tế thì sức hút tạo ra sẽ mạnh hơn, khách du lịch tâm linh chiếm
tỷ trọng cao sẽ không những góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần mà
còn góp phần tăng trưởng kinh tế và nhất là lợi nhuận trực tiếp từ đơn vị tổ
chức du lịch. Hiện nay, tại khu cáp treo Tà Cú chỉ thuần khai thác nội dung
chiêm bái, chưa tạo được sự đa dạng trong các dịch vụ đi kèm, không đủ chiều sâu
lưu giữ du khách qua đêm hay nhiều ngày đêm, nhất là du khách các nước, nên đồng
tiền du khách bỏ ra chỉ dừng lại ở tiền mua vé cáp treo, xe điện, quà lưu niệm,
sản vật địa phương và một số nhu cầu không đáng kể khác. Vậy thì doanh thu khiêm
tốn là tất yếu.
Trên cả nước hiện có 465 ngôi chùa
được xếp hạng di tích lịch sử nhưng không mấy ngôi chùa có được ấn tượng mạnh
như chùa núi Tà Cú, riêng tượng Phật nằm 49m, lớn nhất Đông Nam Á và khu rừng
tái hiện cảnh Song Lâm Thị Tịch đã là ưu thế có một không hai, nhưng các hoạt
động hướng dẫn tham quan, tìm hiểu của ta chưa hấp dẫn và thậm chí bỏ trống.
Khi viết những dòng này, tôi cứ nhớ
câu chuyện má tôi kể khi còn sinh thời, đó là vào đầu thập niên 60, khi nhận
được lời kêu gọi xây tượng Phật nằm và cảnh Tịnh độ nhân gian nhằm mục đích quy
hướng Phật tử của Hòa thượng Thích Thiện Thắng và Hòa thượng kế vị Thích Vĩnh
Thọ, Phật tử các nơi đã ùn ùn tập trung về, mỗi người một túi xi măng trên vai,
nối nhau leo lên núi bất kể ngày đêm cho tới khi tượng Phật hoàn thành. Đó là
sức mạnh tâm linh được đánh thức. Đó là kỳ tích khó có thể tưởng tượng nổi khi
sức mạnh của từng con người được nối kết.
Một học giả người Pháp có lý khi cho
rằng: “Tôi đến Việt Nam không muốn xem những gì các bạn bày ra để chiều lòng
chúng tôi. Tôi đến để xem các bạn thể hiện các bạn như thế nào”. Cần hướng, đạt
tới chuyên nghiệp, sự tinh tế, ngưỡng chiều sâu khi thể hiện mình qua tổ chức du
lịch.
Du lịch tâm linh đâu chỉ là những
cuộc hành hương! Tôi nghĩ nôm na là vậy!
Nguyễn Tân Hải