Khôi phục thắng tích Đá Dựng
Khôi phục thắng tích Đá Dựng
BT- Năm 2013, thực hiện nghị quyết
của Thị ủy, UBND thị xã La Gi giao cho Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư, tiến
hành mời đơn vị tư vấn khảo sát lập dự toán để phê duyệt mở thầu thi công. Phải
nói là với những quyết định như trên, lại trùng khớp với thời điểm cầu Đá Dựng
hoàn thành, nhân dân thị xã La Gi vô cùng phấn khởi trước một viễn cảnh rất đẹp,
rất mơ màng cho toàn cảnh khu Đá Dựng ngay giữa lòng trung tâm thị xã.
Điều đáng buồn đã 3 năm trôi qua,
nghị quyết ấy, chủ trương ấy đã không thể thành hiện thực, với một lý do hết sức
đơn giản “không còn đất” để thực hiện dự án.
Những ngày cuối tháng 5/2013 sau
nhiều đợt thực tế khảo sát, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã báo cáo: Đất
trống tại đập Đá Dựng chỉ còn 2 sào. Phần lớn diện tích đất vườn anh đào cũ hai
bên bờ sông (khoảng 1,8 ha) chính quyền đã hợp thức hóa cấp cho tư nhân và họ
đều có sổ đỏ chủ quyền, muốn xây dựng phải thu hồi, phải đền bù. Lúc này lãnh
đạo thị xã mới vỡ lẽ, thu hồi đã khó, tiền đền bù càng khó khăn nên giao cho các
ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương tiến hành xác minh việc cấp đất,
đồng thời xem lại quy hoạch Đông Tây hai bên bờ Đá Dựng. Một câu hỏi đặt ra: Quy
hoạch là do ta làm, chẳng lẽ đến bây giờ các ngành chuyên môn vẫn chưa báo cáo
cho ủy ban, hai bờ Đông Tây sông Dinh đập Đá Dựng quy hoạch làm việc gì? Và
chẳng lẽ ai cấp đất từ trước đến nay địa phương và các ngành đều không biết?
Chẳng rõ trên 1 năm trời xác minh,
xem xét quy hoạch ra sao? Điều thực tế ngang qua Đá Dựng, người dân La Gi chỉ
thấy các công trình dân dụng tiếp tục mọc lên bên bờ sông, còn đất 2.000 m2 do
Nhà nước quản lý thì âm u cỏ cây và rác thải. Và cũng không ai buồn nhắc lại
nghị quyết “khôi phục vườn hoa anh đào tại thắng cảnh đập Đá Dựng” năm 2012 của
Thường vụ Thị ủy La Gi.
Ai đã từng sống và làm việc tại La
Gi đều biết đập Đá Dựng vốn là thắng cảnh nổi tiếng ngay từ thời tỉnh Bình Tuy
mới khai lập. Đập Đá Dựng được xây vào năm 1959, nhằm phục vụ cho cả hai mặt,
nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân và kết hợp làm khu thắng cảnh. Khởi đầu,
đập được xây dựng với chiều ngang chừng 80 m, có 2 cửa thoát, lòng đập sâu 6 - 7
m. Nhà thủy tạ xây trên một chân trụ, mỗi cạnh vuông 2,5 m mô phỏng theo chùa
Một Cột ở Hà Nội. Bên dưới đập, giữa những cù lao đá đủ hình thù và cây cối, dây
leo, nhô lên giữa lòng sông người ta đắp một tượng sư tử, cùng với những chiếc
cầu ván cong cong để người đi ngoạn cảnh dễ qua lại. Lần theo vài chục bậc thang
bên cửa đập có tượng long ngư vượt vũ môn. Hai bên bờ sông Dinh là vườn hoa anh
đào tỏa bóng mát quanh năm, nơi rất lý tưởng cho các tổ chức sinh hoạt tập thể
cắm trại dã ngọai.
Mặc dù các hạng mục dưới chân đập
không còn, nhưng nhờ vào cảnh quan tự nhiên, lại nằm ngay trung tâm thị xã, đập
Đá Dựng vẫn luôn có sức hút đối với du khách gần xa. Vì thế, việc khôi phục lại
thắng cảnh Đá Dựng là ước mong từ lâu của hàng vạn người dân La Gi.
Ngô Văn Tuấn