Đậm tình bánh ú tro

Đậm tình bánh ú tro

Bánh ú tro thường được làm vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), ngày rằm hay ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng. Từ chiều mùng 4 âm lịch, nhiều người dân TP. Phan Thiết đã nhộn nhịp mua bán những mặt hàng dành cho Tết Đoan ngọ. Trong đó những chùm bánh ú tro nhỏ xíu, xinh xắn có mặt ở khắp các gian hàng đã làm nên cái hồn cho ngày Tết Đoan ngọ. Ngoài ra, các loại lá thơm như liễu, khuynh diệp, ngũ trảo… cũng được nhiều người chọn mua để treo trước nhà lấy may mắn.

Bánh ú tro cũng như những món bánh khác, một món ăn dân dã, mộc mạc, dễ làm và rất ngon. Bánh có khối hình tam giác, nhỏ hơn bánh ú. Nguyên liệu của bánh chỉ có nếp và tro thân cây mè hoặc tro than loại tốt. Đổ tro vào chậu nước, khuấy đều, tro thấm nước chìm xuống, khi tro lắng xuống, nước tro ở trên trong thì chắt lấy nước. Nếp cho vào nước tro ngâm 1 ngày, không nên ngâm quá lâu để tránh mùi nồng của bánh. Sau đó vớt nếp ra, vò lại nhiều lần cho sạch, đổ vào rổ cho ráo. Nhờ nước tro mà hạt nếp nhuyễn thành bột, lá gói bánh bằng lá tre hoặc lá chuối. Bánh ú tro không có nhân nhưng gói cho đẹp không dễ chút nào, vì bánh có nhiều góc, nên khi gói phải lắc nếp trong lá sao cho thật đều, buộc cho chặt tay để khi bánh được nấu chín vớt ra có mùi thơm của nếp, mùi hăng hăng của tro quyện vào trong bánh và bánh có màu vàng nhạt trong, thoang thoảng mùi lá, trơn láng không dính vào lá. Khi bánh làm ra không chỉ đẹp mà ngon, thu hút người ăn hay không là tùy vào sự khéo léo làm bánh của từng người. Dì Chín - một người làm bánh nhiều năm ở Hàm Thuận Bắc nói.

Ngoài bánh ú tro, chè trôi nước là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ để cúng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Với nguyên liệu nếp và nước tro, bánh ú tro có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/chục. Điều đặc biệt là bánh ú tro không bán từng cái mà được buộc thành từng chùm 10 cái.

Bánh ú tro trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết Đoan ngọ của người Việt. Theo quan niệm, vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là lúc thời tiết vô cùng oi bức dễ sinh bệnh. Và bánh ú tro có tính mát, dễ tiêu, tốt cho tiêu hóa. Do vậy, ăn bánh ú tro cùng với trái cây và cơm rượu nếp vào ngày này bệnh tật trong người được loại bỏ, cũng là lúc mọi người cùng nhau trừ sâu cho mùa màng. Ngoài ra do được xem là loại bánh rất đậm tình quê hương, ngon và tinh khiết nên bánh còn được người dân mang đến chùa để cúng Phật trong những ngày rằm, mùng 1 (âm lịch). Chiếc bánh ú tro luôn mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là vật chất.

M.Anh

Cập nhật ngày 08-06-2016
Xem tin theo ngày