Đã đến lúc

Đã đến lúc “hé cửa”

BT- 2021 tiếp tục là một năm rất khó khăn đối với ngành du lịch, bởi ngay từ đầu năm, đợt dịch Covid - 19 lần thứ ba ở trong nước đã bùng phát và kéo dài suốt 57 ngày. Sau đó, cả nước đối mặt với đợt dịch thứ tư được ghi nhận từ ngày 27/4 có tốc độ mạnh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn và nguy hiểm nhất từ trước tới nay, khiến hoạt động du lịch trầm lắng… Hệ quả là du lịch Bình Thuận không có mùa cao điểm “Du lịch hè” sôi động như mọi năm, các cơ sở lưu trú trên địa bàn cũng tạm dừng đón khách đến từ các tỉnh, thành phố có dịch (từ cuối tháng 5/2021 theo công văn của UBND tỉnh).

Du lịch Bình Thuận cũng chuẩn bị các điều kiện để từng bước đón khách trở lại (ảnh minh họa).

Như vậy, nhiều khả năng đây cũng là năm mà du lịch Bình Thuận ghi nhận mức tăng trưởng âm cả về chỉ tiêu đón khách lẫn doanh thu từ du khách, vì thời gian còn lại là quá ít để có thể “lội ngược dòng”. Dự kiến kết thúc năm 2021, toàn tỉnh chỉ đón khoảng 2,1 triệu lượt khách (đạt 42% kế hoạch năm nay và giảm 35% so năm ngoái), riêng khách quốc tế có 30.000 lượt (đạt 12,1% kế hoạch và giảm 83% so cùng kỳ). Về chỉ tiêu doanh thu từ khách du lịch, ước cả năm thực hiện 6.200 tỷ đồng, con số này đạt chưa tới 50% kế hoạch đề ra và giảm 34% so năm 2020.

Giữa tháng 10 này, khi tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đang từng bước được khống chế thì nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch bắt đầu mở cửa đón khách nội tỉnh, hoặc nội địa trở lại. Đối với Bình Thuận, công tác chuẩn bị các điều kiện hướng tới phục hồi hoạt động du lịch cũng được ngành chức năng khẩn trương xúc tiến với yếu tố “an toàn” đặt lên hàng đầu. Đến nay đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh xem xét ban hành 5 Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Cùng với đó là đề nghị ngành y tế ưu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động hoạt động trên lĩnh vực du lịch tại địa phương. Tiếp tục đề nghị UBND thành phố Phan Thiết quan tâm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân tại các khu vực trọng điểm về du lịch của tỉnh như Hàm Tiến, Mũi Né…

Cũng vào giữa tháng 10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá, truyền thông phục hồi du lịch và xây dựng điểm đến an toàn trong 3 tháng cuối năm 2021. Kế hoạch này khi triển khai sẽ tập trung thực hiện một số chương trình: Truyền hình “Về miền gió - cát”, “Đi du lịch trực tuyến”, tour “Du lịch xanh”, mã hóa QR các điểm tham quan du lịch, truyền thông quảng bá điểm đến an toàn… Thông qua các hoạt động quảng bá điểm đến du lịch an toàn gắn với chương trình kích cầu, Bình Thuận kỳ vọng sớm phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, tạo đà phát triển cho năm 2022.

Sắp tới đây, ngành sẽ nắm bắt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch Covid- 19 được hoạt động thí điểm đón khách. Dù Bình Thuận là điểm đến hút khách và sẵn sàng đón phục vụ đông đảo du khách (hiện toàn tỉnh có hơn 580 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 17.200 phòng), nhưng ngành vẫn triển khai từng bước thận trọng. Từ tình hình thực tế cho thấy, đã đến lúc du lịch Bình Thuận mạnh dạn “hé cửa” đón khách trở lại trước khi mở hoàn toàn trong trạng thái bình thường mới.

Đ.QUỐC

Cập nhật ngày 19-10-2021
Xem tin theo ngày