Du lịch tìm về nông thôn
Du lịch tìm về nông thôn
BT- Ngoài thế mạnh về
nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao giải trí đặc trưng (trên biển, trên đồi cát)...
Bình Thuận cần tiếp tục tận dụng tối đa các tiềm năng để phát triển du lịch bền
vững, trong đó có du lịch nông thôn.
|
Hải sản tươi sống hấp dẫn du khách tại các
điểm du lịch trên địa bàn thị xã La Gi. |
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 3
bùng phát từ cuối tháng 1/2021 khiến ngành du lịch cả nước nói chung và Bình
Thuận nói riêng thất thu nặng nề vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong khi tình
trạng hủy phòng xảy ra khá phổ biến do tâm lý e ngại dịch bệnh ở những điểm nghỉ
dưỡng nổi tiếng, thu hút đông người thì cũng có nhiều trường hợp vẫn “xách ba lô
và đi” nhân kỳ nghỉ dài ngày nhất của năm.
Đối tượng khách này hầu hết
là nhóm bạn bè, gia đình, người thân… quyết định du lịch tìm về nông thôn để có
thêm trải nghiệm mới, gần gũi hơn với thiên nhiên và người dân. Ngay sau tết, đã
có những bài viết chia sẻ trên mạng xã hội về chuyến đi và nhận được nhiều bình
luận tích cực bởi phong cảnh yên bình, lối sống mộc mạc, món ăn dân dã, sản phẩm
vùng miền... Đồng thời xem đó là hành trình hợp lý khi chọn những điểm đến an
toàn, cùng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để góp
sức giúp ngành du lịch dần phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thời gian tới, dự báo xu
hướng du lịch tìm về nông thôn tiếp tục được nhiều người lựa chọn cho kỳ nghỉ
của mình trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 chưa biết đến bao giờ chấm dứt hoàn
toàn. Ngoài ra, loại hình du lịch này dự báo cũng thu hút nhiều đối tượng du
khách vì chi phí không cao mà có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa
và khám phá những nét mới lạ tại điểm đến. Đặc biệt, trẻ em đi cùng sẽ được “tai
nghe, mắt thấy, tay chạm” những dụng cụ, phương tiện phục vụ sản xuất nông
nghiệp hoặc các loại cây trồng, vật nuôi mà trước đây chỉ biết qua sách giáo
khoa, trên ti vi…
Tại Bình Thuận, du lịch nông
thôn và du lịch cộng đồng cũng có tiềm năng phát triển ngay ở cả đồng bằng, miền
núi lẫn vùng biển nên cần tìm kiếm giải pháp để khai thác đem lại hiệu quả.
Ngoài một số điểm hút khách hiện nay như Điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng (Bắc
Bình), Khu du lịch Bình Thạnh - Chùa Cổ Thạch (Tuy Phong), Điểm du lịch cộng
đồng Cam Bình và Dinh Thầy Thím (La Gi) thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn những điểm
du lịch có sức hút du khách. Đó là: Khu du lịch sinh thái Thác Bà (xã Đức Thuận,
huyện Tánh Linh), Khu du lịch sinh thái Thác 3 Tầng (xã Đa Kai, huyện Đức Linh),
du lịch tâm linh tại Thiền viện Trúc Lâm (xã Sông Phan, huyện Hàm Tân)... Cùng
với đó là dịch vụ homestay đang phát triển tại các địa bàn có thế mạnh về du
lịch như TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, đảo Phú Quý và dịch vụ tham quan vườn
thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam.
Để góp sức cho loại hình này,
việc định hướng quy hoạch phát triển hình thành các khu vực du lịch nông nghiệp
công nghệ cao tại một số địa bàn trọng điểm cũng được địa phương tính đến. Vấn
đề còn lại là sớm xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo thuận
lợi thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
Trong đó cần được quy hoạch đồng bộ, quản lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường du
lịch an ninh, an toàn, thân thiện... nhằm góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo
sức hấp dẫn cho điểm đến Bình Thuận.
Từ
đặc trưng vùng miền, các sản phẩm du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng
trên địa bàn Bình Thuận cũng có thể định hình với địa bàn huyện Bắc Bình
là thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt. Còn với huyện Tuy Phong gắn với
sản phẩm nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng... hay
như các điểm du lịch trên địa bàn thị xã La Gi gắn với các sản phẩm hải
sản tươi sống các loại. Trong khi đó điểm du lịch ở huyện Tánh Linh gắn
với hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại và tại Đức Linh là
bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rômô, cà phê, hồ tiêu. Riêng TP. Phan
Thiết gắn với chuỗi sản phẩm nước mắm, hải sản các loại, thanh long,
cốm, bánh rế, tranh cát... |
Đ.QUỐC