Du lịch Bình Thuận

Du lịch Bình Thuận: Còn thiếu nhà vệ sinh công cộng và trạm cứu hộ đạt chuẩn

BTO- Tính luôn 04 dự án vừa được cấp phép thì đến nay trên địa bàn Bình Thuận có 385 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp là 6.250 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 62.380 tỷ đồng. Trong đó có 24 dự án đầu tư nước ngoài và 361 dự án đầu tư trong nước, số dự án đã đi vào hoạt động là 175 dự án.

Toàn tỉnh có 473 cơ sở lưu trú đang hoạt động, với tổng số 14.193 phòng, ngoài ra còn có 315 biệt thự du lịch và 557 căn hộ du lịch. Có 51 đơn vị kinh doanh lữ hành (7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 24 doanh nghiệp lữ hành nội địa, có 20 chi nhánh VPĐD của các hãng lữ hành).

Các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch ăn uống, mua sắm, spa, thể thao trên biển tiếp tục chuyển biến về chất lượng phục vụ. Dịch vụ vận chuyển du khách đường sắt tiếp tục cải thiện chất lượng. Tuyến đường biển Phan Thiết - Phú Quý đảm bảo ổn định, thông suốt.

Có một số sản phẩm du lịch mới: điểm tham quan Bồng Lai Tiên Cảnh, Công viên tượng cát, Sân khấu nhạc nước phục vụ du khách.

Công viên tượng cát

Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự ở các khu - điểm du lịch, công tác cứu nạn cứu hộ trên các bãi tắm,các hồ bơi ở các resort được quan tâm chú ý, bảo đảm an toàn cho du khách.

Hoạt động bán hàng rong, mô tô nước, thả lưới bắt tôm hùm con ở các bãi tắm ven biển được chấn chỉnh, sắp xếp một bước, nề nếp hơn.

Giá cả dịch vụ du lịch, hàng hóa trong những ngày cao điểm lễ, tết khá ổn định. Việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết được các cơ sở lưu trú và dịch vụ thực hiện khá nghiêm túc.

8 tháng năm 2017, Bình Thuận ước đón 3,1 triệu khách, trong đó khoảng hơn 330 ngàn khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch 5.760 tỷ đồng.

Tuy nhiên du lịch còn tồn tại những hạn chế như: Việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn ở các khu, điểm du lịch; Xây dựng trạm cứu hộ ở các bãi tắm ven biển chưa được quan tâm.

Tình trạng nước thải ra môi trường chưa qua hệ thống xử lý vẫn còn khá nhiều; Rác thải tại các tuyến đường và các khu du lịch công cộng chưa được xử lý tốt; Tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu bị ngập nước nhiều đoạn; Tình trạng xe jeep không đăng kiểm vẫn hoạt động chở khách du lịch.

Từ tình hình hoạt động du lịch 8 tháng qua, Ban Chỉ Đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Thông qua phương án xây dựng khu dịch vụ 2.000m2, các chốt cứu hộ tại công viên Đồi Dương-Phan Thiết; Xây dựng hệ thống nước thải khu vực Hàm Tiến-Phan Thiết.

Rà soát các dự án du lịch đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, triển khai chậm, vướng đền bù giải tỏa, để giải quyết dứt điểm hoặc xem xét thu hồi dự án.

Dự án du lịch ở xã Tân Thành chưa đi vào hoạt động

Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư làm các trạm cứu hộ ở các bãi tắm ven biển; Huy động xã hội hóa để xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn cho khách du lịch ở các điểm du lịch.

Thành lập các trạm thông tin hỗ trợ du khách ở các điểm đông du khách như Hàm Tiến - Mũi Né, Đồi Dương - Thương Chánh.

Phối hợp các Bộ - ngành TW thúc đẩy các dự án: đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang, sân bay Phan Thiết.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận ra bên ngoài với nhiều hình thức, nhiều kênh…

Khôi Nguyên

Cập nhật ngày 20-09-2017
Xem tin theo ngày