Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là Di
Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là Di sản văn
hóa của nhân loại: Bản sắc văn hóa của người Việt
BT - Tổ chức Giáo dục, Khoa học
và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ
là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã
tìm đến chùa Bà Đức Sanh (phường Đức Thắng - TP. Phan Thiết), đây là một công
trình kiến trúc, tôn giáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ tại Bình
Thuận. Gặp cụ bà Nguyễn Thị Hay (90 tuổi) là Chánh hội trưởng, tên thường gọi là
cô Tám Quảng, đã gắn bó 2/3 cuộc đời tại ngôi chùa này. Cô Tám Quảng rất vui vì
tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được thế giới vinh danh, ca ngợi về những đóng góp
lớn lao của truyền thống văn hóa dân tộc. “Tùy từng vùng miền, có sự giao lưu
giữa nhiều dân tộc mà tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ cũng có những khác nhau. Tuy
nhiên, tất cả đều dựa trên tín ngưỡng thờ nữ thần, là hình thức thờ những người
mẹ hóa thân tại các vùng đất, miền sông nước, rừng núi. Đây là những huyền thoại
hoặc nhân vật lịch sử có công với nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển
các vùng đất, được lịch sử ghi nhận và truyền tụng qua nhiều đời. Họ trở thành
những nữ thần tâm linh của đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu tam
phủ trở thành di sản phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được vinh danh.
Trước đó là Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây
Nguyên, Ca trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng, Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và
Nghi lễ kéo co. |
Với niềm tin như thế mà người
Việt Nam khi an cư ở đâu là họ tạo ra các địa điểm thờ cúng những con người
huyền thoại ở đó. Chùa Bà Đức Sanh chính là di tích chứng minh điều này. Năm
1844, chùa Bà Đức Sanh chỉ là một thảo am làm bằng tranh, tre, lá do người Ngũ
Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - nay là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và
Quảng Ngãi) và người Hoa lập nên. Chùa Bà Đức Sanh thờ phụng “Tam vị thánh mẫu”
là Vân Tiêu, Bích Tiêu và Quỳnh Tiêu (tức Mẹ sanh, Mẹ dưỡng, Mẹ độ) với niềm tin
các nữ thần sẽ hiển linh, chở che, bảo bọc các thai nhi, sinh đẻ được thuận lợi,
mẹ tròn con vuông; con cái sinh ra được khỏe mạnh để tiếp tục khai khẩn bờ cõi
đất nước, làm ăn sinh sống ngày một phát đạt, là nơi người dân ước mong tránh
khỏi loạn lạc đao binh, cầu mong bình an, hạnh phúc, ấm no cho gia đình.
Ngoài thờ phụng “Tam vị thánh
mẫu”, chùa còn thờ 12 bà mụ trông coi 12 con giáp nữ và 12 bà mụ trông coi 12
con giáp nam (gọi là Thập nhị hoa nương và Thập nhị thiên can); thờ 5 bà Ngũ
hành (được rước từ chùa Lương Bằng về) tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Trải qua 172 năm tồn tại, chùa Bà Đức Sanh trở thành địa điểm tâm linh, tín
ngưỡng quan trọng của cư dân Phan Thiết.
Bà Tám Quảng kể: Với đức tin về
việc sinh đẻ sẽ được thuận lợi mà nhiều gia đình, cặp vợ chồng hiếm muộn đã tìm
đến để cầu nguyện được có con, nhiều phụ nữ khi mang thai khó sinh… cũng thường
đến chùa thắp hương, cầu nguyện để sinh con dễ dàng, việc nuôi dạy con cái không
thuận lợi, họ cũng đến để cầu nguyện mong được suôn sẻ.
Ngoài chức năng tín ngưỡng,
chùa Bà Đức Sanh còn là công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử,
còn lưu giữ 2 sắc phong của vua Thành Thái và vua Duy Tân, được công nhận là di
tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2005.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch: Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ tại nước ta phân bố ở nhiều địa phương, được
coi như bảo tàng sống lưu giữ lịch sử, di sản, bản sắc văn hóa của người Việt.
Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu thường nhật của nhân
dân thông qua việc cầu con cái, cầu sức khỏe, tài lộc…
Đ.Hậu