Từ đất quê cả làng làm du lịch

Từ đất quê cả làng làm du lịch

BT- Đó là xã Tân Phước (thị xã La Gi), từ một xã mới được tách ra từ xã Tân Thiện vào cuối năm 2005. Diện tích tự nhiên của xã rộng gần 33 km2 nhưng phần lớn đất cát khô khốc chỉ phù hợp với cây màu lang, mì…. Các thôn Thanh Linh, Cam Bình, Mũi Đá hầu như là người gốc quê Quảng Trị dù đã 44 năm vẫn đặc trưng tập quán, giọng nói… Chỉ trước đây chưa lâu ngoài đoạn đường quốc lộ 55 chạy ngang, đường Đinh Bộ Lĩnh và đường Lê Minh Công nối bãi biển Cam Bình với chợ La Gi được láng nhựa, còn lại trên địa bàn xã là những con đường rải sỏi, cát bủng vào mùa mưa thì lầy lội. Khó như vậy, nếu mãi loay hoay với những vồng khoai, luống đậu, cây điều thì trai trẻ vùng đất mang tiếng là dân thị xã cũng dần dần bỏ xứ đi làm ăn xa cả thôi. Đúng là đất không phụ lòng người như người xưa đã nói. Tân Phước còn đó bờ biển 3km với bãi cát phẳng mịn màng, quanh năm sóng xanh êm ả và một rặng cây rừng phòng hộ còn nguyên vẻ hoang sơ. Trong quy hoạch, Tân Phước được coi là xã có nhiều dự án nhất thị xã, trong đó có 19 dự án du lịch nhưng từ nhiều năm qua vẫn im lìm, mà nguyên nhân chính  là đường sá khó khăn và người dân vốn đã quen với cuộc sống bám đất nghề quê. 

Nhưng gần đây, ở La Gi lại nổi lên mô hình du lịch cộng đồng Cam Bình do người dân địa phương hình thành. Họ đã tận dụng ưu thế thiên nhiên của vùng đất này với cánh rừng dương, bạch đàn phủ đầy bóng mát để mở quán, đón mời khách du ngoạn. Bãi biển Cam Bình nổi tiếng bởi đặc sản cá, mực tươi rói từ biển cặp kề, khách tự chọn và được chế biến tại chỗ để tận hưởng hương vị đậm đà giữa không gian biển. Có đến 500 thuyền thúng đánh bắt cá ven bờ và trên chục chiếc xe bò mỗi sáng sớm tập trung ở đây vừa làm cái công việc tải thúng chai lên bờ vừa làm dịch vụ chở khách du lịch dạo biển, tạo nên cảnh chợ quê miền biển hiếm gặp ở nơi khác. Đó là những người dân sống bằng nghề nông nhưng lúc nông nhàn chuyển qua nghề biển, rồi mở quán kinh doanh dịch vụ cho khách du lịch, từ đó ăn nên làm ra.

Hiện nay trên địa bàn có đến 10 doanh nghiệp lớn về khai thác du lịch, khoáng sản và có khoảng 30 cơ sở nhỏ chế biến hải sản, nhà nghỉ, quán ăn tập trung ở cụm Cam Bình. Thật khó tin ở một xã khó khăn nằm lẻ biệt của thị xã nay lại hàng đêm sáng rực ánh đèn, đường nối đường, rộng thênh thang, khách xa cuối tuần, ngày nghỉ lễ lũ lượt đến với biển vui chơi. Qua tiếp xúc với anh Trương Tấn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Phước, cũng là người gắn bó với vùng đất này đã thổ lộ, đó là sự vận dụng từ cách nhìn về chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng nông thôn mới ở đây coi đâu là nhu cầu bức thiết. Đó là giải pháp kết nối hệ thống giao thông nông thôn sẽ có tác động lớn đến sự thay đổi diện mạo đời sống xã hội. Một đoạn đường Lê Minh Công gần 2km thường xảy ra tình trạng mất an ninh, nhất là dọc theo địa bàn du lịch. Thấy sự bức xúc đó, xã đã vận động được 4 doanh nghiệp Coco beach camp, Việt Rạng Đông, Bảo Anh, Ba Miền cùng chung nhau đóng góp trên 317 triệu đồng để dựng trụ, lắp đèn thắp sáng và sắp tới lập 2 chốt dân phòng với sự hỗ trợ cũng của doanh nghiệp. Cảm kích cách làm đó, cá nhân ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch thị xã cũng ủng hộ 20 triệu đồng. Trước đó xã đã đầu tư điện thắp sáng đoạn quốc lộ 55 trên 75 trụ với kinh phí 427,7 triệu đồng. Các xóm dân cư thuộc thôn Phước Thọ, Mũi Đá, Thanh Linh đã có 7 tuyến đường kết nối thông suốt với nhau dài 20,7 km bằng bê tông từ nguồn kinh phí chương trình và huy động sự chia sẻ của người dân. Tính đến nay, tổng số tiền đầu tư cho giao thông nông thôn của xã gần 16 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 5,6 tỷ đồng. Khi đã có con đường tốt thì người dân mới quan tâm nhiều đến việc xây dựng căn nhà xây bề thế, khang trang hơn. Cho nên từ cư dân “làng” nay đã nên hình nên dáng của “phố” là điều dễ thấy ở đây.

Đời sống của người dân địa phương vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa thể nói là hết khó khăn, nhưng với sự chuyển biến từ chương trình xây dựng nông thôn mới, rõ nhất là cuộc vận động xây dựng đường giao thông đã góp phần rất lớn cho sự thay đổi cuộc sống xã hội. Đó là dấu hiệu mới của hoạt động phát triển du lịch biển Cam Bình đánh thức vùng đất nghèo của xã Tân Phước từng trải qua nhiều năm tháng nhọc nhằn bên luống khoai, cát trắng.

PHAN CHÍNH

Cập nhật ngày 29-11-2016
Xem tin theo ngày