Gìn giữ dệt thổ cẩm Chăm

Gìn giữ dệt thổ cẩm Chăm

Một đời theo nghề

Ở tuổi ngoài 70, bà Nguyễn Thị Đương (thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa) cần mẫn ngồi bên khung dệt, thoăn thoắt con thoi một cách thuần thục, nhịp nhàng theo tiếng lách cách vui tai. Bà không nhớ rõ mình biết dệt từ khi nào, chỉ nhớ khi còn rất nhỏ đã quen với việc xa quay kéo sợi, con thoi đã thuộc làu những thao tác dệt đơn giản mà mẹ truyền dạy. Bà Đương giải thích cho chúng tôi, người Chăm có hai kiểu dệt là dệt trơn và dệt có hoa văn hay còn gọi là dệt thổ cẩm. Để dệt những tấm thổ cẩm đẹp, bắt mắt thì yêu cầu phải tỉ mỉ, chi tiết, khéo léo và cẩn trọng của người dệt như mắc sợi, bắt bông, kéo sợi qua go, lượt. Bà Đương tự hào khoe vì là nghề mẹ truyền con nối, nên các con gái của bà đều rành rọt nghề. Hy vọng chúng sẽ nối tiếp tâm huyết của bà lưu giữ nghề này. Nhưng rồi bà ngập ngừng băn khoăn: “Bây giờ bọn nhỏ có biết nghề đó nhưng không ham dệt, chúng đi làm công ty, xí nghiệp dễ kiếm ăn hơn”. 

Mai này người trẻ còn nhớ nghề?

Một thực tế hiện nay ở làng dệt thổ cẩm Phan Hòa số người theo học và thực hành nghề dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là khó khăn về đầu ra sản phẩm cũng như mẫu mã, hoa văn, màu sắc của các sản phẩm dệt thủ công chưa thực sự phong phú, đa dạng nên chưa đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng. Vì vậy, hầu như các sản phẩm dệt của người Chăm Phan Hòa chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho các gia đình trong các lễ hội, cưới hỏi. Bà Tồn Thị Tuyết – thôn Bình Thắng là người duy nhất trong xã có khá nhiều người đến đặt mua các sản phẩm dệt thổ cẩm vào các các dịp lễ hội, cưới xin, hay mỗi khi có khách từ nơi khác đến đặt bà dệt khăn bàn, váy thổ cẩm để làm quà. Bà Tuyết nói: “Trước đây nhà có đến 10 khung dệt vừa làm, vừa dạy nghề cho phụ nữ trong xã. Bây giờ hiếm có ai học, nhất là bọn trẻ không màng. Nên chỉ 3 khung dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu những gia đình vào dịp tết, mùa lễ hội thôi”.

Làm sao duy trì và gìn giữ dệt thổ cẩm Chăm. Đây không chỉ nỗi niềm của những người tâm huyết với nghề như bà Đương, bà Tuyết mà còn là câu hỏi đặt ra cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Bà Đương cùng cô con gái cả lưu giữ nghề.

Thanh Duyên

Cập nhật ngày 09-05-2016
Xem tin theo ngày