Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Thạch

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Thạch: Người khám phá sương

BT - Nói về sương mù và mây trắng, có lẽ nên tìm đến các vùng cao phía Bắc như Tam Đảo, Sapa. Tên gọi Tam Đảo vì đứng dưới chân đèo nhìn lên, sẽ thấy 3 ngọn núi ẩn hiện, bồng bềnh trong sương mù và mây trắng. Ở đây thời tiết rất diệu kỳ, 9, 10 giờ sáng, mây còn sà xuống phố, nhìn ra cửa sương bay lãng đãng trùng trùng lớp lớp. Mở cửa, mây ùa vào phòng, sương phả lạnh buốt... Muốn trốn cái lạnh, bạn phải luôn đóng kín các cửa phòng, chắc ăn là trùm thêm cái chăn dày cả tấc, có khi vẫn còn run... Vậy mà có người mới 3, 4 giờ sáng đã lò mò trong sương mù Tam Đảo, đi tìm những nét đẹp của phố sương và đời thường trên núi mây để ghi lại những bức ảnh nghệ thuật. Đó là nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Thạch. Nội dung 10 tác phẩm anh chụp với thời gian nửa tháng ở Trại sáng tác Tam Đảo, đa phần đã khắc họa được vẻ đẹp lung linh của phố mây, thời tiết 4 mùa ngang nhiên đi về trong ngày, thiên nhiên u tịch, thơ mộng và hùng vĩ, dòng Thác Bạc trắng xóa giữa xanh thẳm của rừng già, nhà cửa và cuộc sống đời thường của người dân ẩn hiện ảo mờ trong khói sương,vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ cổ, di tích duy nhất mà Bác Hồ chỉ đạo để lại trong thực hiện tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, khi hơn 100 ngôi biệt thự cao cấp của “đô thị trên núi cao” thời điểm đó đã bị phá hủy. Trong số tác phẩm mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Ngọc Thạch ghi lại ở Tam Đảo, chúng tôi rất ấn tượng với tấm ảnh “Một nắng hai sương”. Ở một góc độ hợp lý, bối cảnh là sương bay mờ mịt trong sáng sớm, nhưng nổi bật là 2 chủ thể gồm 2 nữ công nhân đang chìm ngập trong làn sương dày để đẩy xe rác. Nhìn vào ai cũng thấy xúc động, thủy mặc nhưng sinh động nỗi băn khoăn đời thường. Để có tác phẩm này anh phải lặn lội từ sáng sớm, đốt liên tục những điếu thuốc cho đỡ lạnh và đứng canh trong sương tới mấy ngày... Làm nghề săn ảnh nghệ thuật thường phải chịu khó lặn lội. Ngoài những tấm ảnh anh đã “bấm” ở Tam Đảo, còn những  tác phẩm ở một số địa phương khác mà đoàn đã ghé qua. Tuy nền chính vẫn là phong cảnh nhưng tiềm ẩn bên trong là những  bức tranh sống ẩn hiện sự gian khổ đặc thù của đồng bào miền núi ở những tỉnh phía Bắc. Như tấm “Khói lam chiều” với góc nhìn từ núi Vọng phu (Lạng Sơn) hay tấm “Ruộng bậc thang” đã toát lên được nỗi nhọc nhằn lặng thầm của đồng bào H’Mông ở bảng Lao Chãi (Sapa).

Huỳnh Ngọc Thạch bước chân vào làng ảnh nghệ thuật từ năm 1978. Trong quá trình sáng tác ảnh, anh đã sở hữu nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Hiện anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc gia (Vapa) và quốc tế (Fiap). Xin giới thiệu một số tác phẩm ảnh nghệ thuật mà anh đã thực hiện trong chuyến đi trại sáng tác ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) do Hội VHNT Bình Thuận phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác thuộc Bộ VH, TT & DL tổ chức trong tháng 4 vừa qua.

Hải Âu

Cập nhật ngày 04-05-2016
Xem tin theo ngày