Thu hút đầu tư khơi dậy tiềm năn

Thu hút đầu tư khơi dậy tiềm năng du lịch biển

BT- Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bình Thuận đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến đóng góp quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” tại Bình Thuận.

Điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt

Đến nay, Bình Thuận đã có 393 dự án du lịch đang còn hiệu lực với tổng diện tích đất cấp là 7.357 ha, tổng vốn đăng ký là 55.294 tỷ đồng. Trong đó có 289 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 10.921 phòng, đạt tiêu chuẩn 5 sao có 3 cơ sở, 4 sao có 25 cơ sở, 3 sao có 11 cơ sở, 2 sao có 34 cơ sở… Đáng chú ý, hàng trăm dự án du lịch tại Bình Thuận đã biến làng chài Hàm Tiến - Mũi Né trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống resort đa dạng trải dọc bờ biển. Bên cạnh sản phẩm du lịch hấp dẫn, các dịch vụ thể thao lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển, chơi gôn và các loại hình dịch vụ bổ trợ khác cũng đang thu hút mạnh du khách. Thương hiệu du lịch Mũi Né - Phan Thiết, Bình Thuận theo đó ngày càng định hình vững chắc, có vị trí cao trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Minh chứng là Trang web du lịch Skyscanner khẳng định, bãi biển Mũi Né hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Tạp chí Lonely Planet chọn Mũi Né là một trong 7 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Hiệp hội Thuyền buồm thế giới PWA đánh giá biển Mũi Né - Bình Thuận đủ điều kiện để tổ chức các giải thể thao thế giới. Du lịch phát triển đã đóng góp phần quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. GRDP du lịch hàng năm tăng 5,5%/năm. Năm 2014 GRDP chiếm tỷ trọng khoảng 7,5% GRDP của Bình Thuận.

Có thể nói, từ xuất phát điểm mờ nhạt trong cơ cấu kinh tế địa phương, đến nay du lịch Bình Thuận đã hướng tới tương lai bằng sự tự tin của một điểm đến mang tầm quốc gia và khu vực. Sự phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện của công ty) đã góp phần hình thành thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm nông sản, hải sản và kích thích nhiều ngành nghề khác tại Bình Thuận cùng phát triển. Qua đó giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40.000 lao động (phần lớn là lao động nông thôn và vùng ven biển). Làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn Bình Thuận.

 Hình thành trung tâm du lịch thể thao biển

Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ xác định Bình Thuận là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước; Mũi Né được quy hoạch là khu du lịch quốc gia; đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia; thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch và Bình Thuận là trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được định hướng phát triển theo chiều sâu và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa giá trị tài nguyên, lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch, trên nhiều địa bàn; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng có chất lượng và sức cạnh tranh cao với sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Qua đó kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu và số lần quay lại của du khách; trong đó, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển sẽ trở thành loại hình du lịch đặc trưng có thương hiệu mạnh ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Để đạt mục tiêu trên, Bình Thuận tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Chủ trương là tập trung thu hút đầu tư theo chiều sâu vào những lĩnh vực có lợi thế làm động lực. Theo đó, phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với 3 trung tâm mang tầm quốc gia là trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển. Đồng thời, nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Tập trung thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch và đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; đưa cảng Vĩnh Tân, sân bay Phan Thiết vào hoạt động. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để đón dòng đầu tư thứ hai từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đa dạng sản phẩm, khai thác tối ưu tài nguyên, lợi thế để Bình Thuận sớm trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Kim Duyên

Cập nhật ngày 29-12-2015
Xem tin theo ngày