New Page 1
“Cố gắng mời gọi các doanh nghiệp du lịch vào cuộc”
BT- Cùng với nhiều
lễ hội văn hóa đặc sắc khác tại Bình Thuận như Nghinh Ông, Dinh Thầy Thím… Lễ
hội Trung thu ở Phan Thiết được tổ chức thường niên trở thành một lễ hội văn hóa
truyền thống góp phần quảng bá cho du lịch Bình Thuận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều
ý kiến cho rằng lễ hội Trung thu cần phải được nghiên cứu và tổ chức tốt hơn nữa
để tạo một sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em cũng như hạn chế những lãng phí. Để rõ
hơn vấn đề này, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thu
Sơn - Bí thư Thành ủy Phan Thiết.
PV: Vừa qua TP Phan Thiết đã tổ chức thành công lễ hội rước đèn Trung thu năm
2013 rất ấn tượng, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và khách du lịch.
Ông đánh giá thế nào về những thành công này?
Ông Nguyễn Thu Sơn: Có thể
nói đây là một sự cố gắng lớn của TP Phan Thiết. Mặc dù quá trình tổ chức rất
khó khăn nhưng vẫn cố duy trì để giúp cho các cháu thiếu niên, nhi đồng có được
một cái Tết Trung thu đúng nghĩa, thể hiện tốt trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc
trẻ em. Đồng thời, thông qua lễ hội để quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận đi
xa hơn đến mọi miền đất nước và trên thế giới. Hơn nữa, năm 2005 lễ hội đã từng
được tạp chí Vietbooks xác lập kỷ lục Việt Nam và được nhận giải thưởng The
Guide Awards với danh hiệu “Lễ hội văn hóa đặc sắc và thành công nhất phục vụ
trong ngành du lịch Việt Nam”. Tôi cho đây là một lễ hội truyền thống mang đậm
bản sắc văn hóa dân tộc, cần phải được duy trì, phát huy và đầu tư hơn nữa.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức lễ hội lâu nay còn
giao hết về cho các trường học, kinh phí quá tốn kém. Sau khi kết thúc lễ hội,
hầu hết các cộ đèn lớn đều không được bảo quản, phát huy tác dụng nên gây lãng
phí?
Dư luận cho rằng lễ hội còn nhiều
lãng phí là đúng chứ không sai, gây áp lực không nhỏ cho các trường học. Trong
khi kinh phí đầu tư lớn, nhiều cộ lồng đèn lớn có kinh phí lên tới 50 - 60 triệu
đồng/cái, nhưng không được bảo quản tốt. Những năm trước phần lớn các trường
không tự làm mà nhờ các nghệ nhân làm hết, thành ra không có ý nghĩa. Tuy nhiên,
năm nay chủ trương của thành phố là thực hành tiết kiệm, kêu gọi các trường
tranh thủ tối đa việc huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp,
mạnh thường quân. Hạn chế thuê nghệ nhân làm mà các trường tự làm, kể cả lồng
đèn nhỏ. Qua đó lễ hội năm nay có rất nhiều trường tự làm lồng đèn, chi phí cũng
giảm đáng kể. Được biết, sau lễ hội nhiều doanh nghiệp du lịch tài trợ đã mang
cộ lồng đèn lớn về resort của mình bảo quản và trưng bày cho du khách chiêm
ngưỡng. Tuy nhiên cũng còn một số trường phải để ngoài mưa nắng, rất đáng tiếc.
Dư luận cho rằng để bớt lãng phí, Phan Thiết cần có cách
tổ chức khác hơn cho những năm tiếp theo. Nếu được nên giao về cho các phường
phụ trách, giảm bớt áp lực cho các trường?
Tôi rất ủng hộ phương án này, nếu
giao về phường thì quá hay và phát huy được vai trò xã hội hóa tốt hơn. Vì thực
tế, các trường đi vận động nhà tài trợ đóng góp rất khó khăn, không được thuận
lợi. Nhiều trường huy động không được phải nhờ phụ huynh học sinh “chia sẻ”
thêm, như vậy sẽ làm “khó” phụ huynh cũng như “khó” cho các thầy cô giáo. Thành
phố Phan Thiết cũng đang tính tới việc huy động các doanh nghiệp du lịch vào
cuộc, để lễ hội không chỉ đơn thuần là sân chơi cho các cháu, mà còn là một sản
phẩm du lịch độc đáo của Phan Thiết vào rằm tháng tám hàng năm. Vấn đề này,
thành phố sẽ tiếp thu và có hướng tổ chức phù hợp hơn cho những năm tiếp theo.
Nên chăng lễ hội cần tổ chức 2 năm một lần, như vậy sẽ đỡ
tốn kém?
Vừa qua, TP. Phan Thiết đã có cuộc
điều tra sơ bộ để tham khảo. Qua đó rất đông phụ huynh đều đồng tình nên tổ chức
lễ hội rước đèn Trung thu hàng năm. Tuy nhiên, về phía thành phố cũng đang xem
xét nếu được có thể tổ chức xen kẽ với lễ hội Nghinh Ông - một lễ hội lớn của
ngư dân Phan Thiết. Có thể năm chẵn sẽ tổ chức lễ hội Trung thu, năm lẻ tổ chức
lễ hội Nghinh Ông và ngược lại.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Ngọc (thực
hiện)