Tiến Thành

Tiến Thành (TP Phan Thiết): Những dự án du lịch chưa phác họa

BT- Bây giờ, trên đường 719 từ dốc Cămpuchia đổ xuống cuối xã Tiến Thành, vùng quê biển nghèo ngày nào bỗng sáng lên, tươi rói nhờ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, trong mảng sáng ấy vẫn còn điểm tối…

Bây giờ, chỉ đi dọc đường 719 thôi, sẽ thấy con đường như đẹp hơn, cảnh trí văn minh hơn, vì không còn những gian nhà nhỏ lụp xụp ngày nào nữa. Bãi biển sạch và yên ả. Hai bên đường xen với những ngôi nhà dân là những khu resort lộng lẫy, ngày lễ cũng như chủ nhật xe hơi các loại đậu kín các sân. Dịp lễ Quốc khánh 2/9/2013 vừa qua, 12 khu du lịch ở Tiến Thành đã đón hơn 2.400 du khách đến nghỉ, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 17,5%, trong đó có gần 100 khách quốc tịch Nga và Pháp. Song, giữa khung cảnh khang trang ấy, có cái gì đó làm cho tuyến du lịch này trở nên vướng víu. Đó là những khu du lịch chẳng hiểu vì lý do gì, xây dựng gần như hoàn tất bỗng dưng bỏ dở, nhà cửa bề thế nhưng toàn cảnh lại để hoang phế lâu ngày như Hải Việt, trông mà xót xa. Đó là những khu du lịch của các nhà đầu tư tích cực, tuy quyết tâm xây dựng nhưng do thiếu vốn nên phải thi công cầm chừng. Đáng nói nhất là những khu du lịch mà nhà đầu tư đã xin được giấy chứng nhận đầu tư rồi, nhưng cứ treo đất để miết, chẳng bao giờ đoái hoài. Xin dẫn điển hình cho loại dự án này là Khu du lịch Hải An.

Khu du lịch Hải An xin giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) điều chỉnh số 48121000513 của UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận lần đầu ngày 4/2/2010, đến ngày 8/4/2011 xin giấy  chứng nhận thay đổi lần thứ nhất, với diện tích đất sử dụng khoảng 140,6 ha thuộc thôn Tiến An. Trong giấy CNĐT có nêu dự án bao gồm: Khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu thế giới động vật, làng ẩm thực Việt Nam,  dịch vụ bãi biển và khu biệt thự. Một dự án đầu tư du lịch xem ra có vẻ bề thế nhất vùng. Và trong giấy CNĐT có nêu rõ: Sau khi đã cấp giấy CNĐT, công ty hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong 12 tháng tiến hành xây dựng, sau 3 năm (tức năm 2013) đưa vào hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, trong thời gian này, công ty còn tham vọng xin thêm diện tích đất đã thu hồi của hai Khu du lịch Đồi Sao và Hải Vương nữa. Ấy vậy mà, đến nay chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2013, nhưng khu đất mà Hải An đã được tỉnh cấp giấy CNĐT vẫn chỉ đang là một cánh rừng không hề có người lui tới trông nom. Trong đó có 4 hộ dân đang sống dưới những mái nhà dột nát nhưng mấy năm nay không được phép sửa chữa. Về phía cơ quan chức năng ở tỉnh không biết vì sao với diện tích đất mà nhà đầu tư đã bỏ lơ sau hơn 3 năm vẫn chưa thấy có quyết định thu hồi? Không riêng gì Khu du lịch Hải An, mà ở xã Tiến Thành hiện nay còn có trên 10 địa chỉ du lịch đã được tỉnh cấp giấy CNĐT, sau nhiều năm vẫn chưa hề động thổ, qua đó gây ảnh hưởng không ít đến đời sống của hơn 80 hộ nghèo và cận nghèo, không được tu sửa nhà cửa vì “nằm trên đất du lịch”.

Du lịch là thế mạnh của Phan Thiết. Tuy nhiên, với ý thức của các nhà đầu tư đích thực, họ đã bỏ ra bao nhiêu tiền của công sức để thổi bùng mảnh đất này thêm bay bổng trong tầm nhìn của du khách. Ngược lại, đất du lịch cũng là miếng mồi của những nhà đầu cơ, xin được đất “xí phần” rào lại, chờ cơ hội sang nhượng kiếm hời, những khu đất đóng cọc, chăng dây, che tôn bỏ mặc đó không chỉ là chướng ngại kìm hãm sự phát triển du lịch, mà trước hết đã làm xấu bối cảnh chung. Không nên kéo dài hình ảnh  buồn lòng này.                    

BẠCH TUYẾT

Cập nhật ngày 02-10-2013
Xem tin theo ngày