Trống Baranưng trong đời sống Ch
Trống Baranưng trong đời sống Chăm
BT- Dân tộc Chăm là dân tộc của lễ
hội. Lễ hội diễn ra quanh năm. Rija Nưgar, Katê, Rija Praung… Lễ cả dân tộc, lễ
thuộc khu vực, lễ tôn giáo, lễ dòng họ cho đến lễ gia đình. Có lễ hội là có múa.
Múa là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm.
Lễ hội là dịp người Chăm tưởng nhớ những người có công xây dựng đất nước, hay
sự sùng bái dành cho các vị vua được thần hóa. Đi kèm với múa là các nhạc cụ dân
tộc truyền thống như: trống Ginơng, trống Baranưng, Ceng (chiêng), kèn Xaranai,
Grong (lục lạc), đàn Kanhi (đàn nhị Chăm)… Phổ biến hơn cả là bộ ba Ginơng,
Baranưng và Xaranai. Nếu trống Ginơng được xem là nhạc cụ chủ đạo qua âm vang
mạnh mẽ, hùng hồn rất phù hợp trong dịp lễ hội cũng như phản ánh được tính cách
Chăm, thì trống Baranưng mới là cái tinh túy nhất thể hiện tâm hồn Chăm. Người
Chăm xem bộ ba này tượng trưng cho bộ phận quan yếu của cơ thể một con người.
Kèn Xaranai tượng trưng cho cái đầu (trí tuệ), trống Ginơng là chân tay (sức
mạnh thể chất), còn Baranưng chính là trái tim (tâm hồn) con người.
|
Ông Mưdwơn và trống Baranưng. |
Trống Baranưng là trống đơn một mặt.
Mặt trống làm bằng da nai. Đường kính khoảng 50cm. Trống được làm bằng gỗ nhẹ và
chắc. Người ta gắn mặt trống vào tang trống bằng các sợi mây đan chéo. Cạnh đó
người thợ đục các lỗ nhỏ xung quanh vành trống. Các lỗ này cách nhau 5cm để chèn
thanh gỗ vào làm căng mặt trống. Trong các lễ hội, người nhạc công (thường là
thầy Mưdwơn) ngồi xếp bằng, ôm trống Baranưng áp vào ngực, vừa hát các bài
Damnưy vừa dùng hai bàn tay vỗ vào mặt trống.
Damnưy là các bài tụng ca được viết
bằng thể ariya lục bát Chăm. Nghệ sĩ hát và sáng tạo chúng trong chính không khí
lễ ấy, biến hóa đầy hứng khởi. Tụng ca là một thể loại văn học dân gian đặc kỳ
Chăm. Dù các bài hát này được chép thành văn bản, nhưng nó luôn được sáng tạo
lại bởi các Mưdwơn khác nhau; thậm chí chính Mưdwơn đó, nhưng trong thời điểm
khác nhau lại hát khác nhau. Từ đó sinh ra vô số dị bản, vô cùng độc đáo.
Một đoạn trong
Damnưy Po Ong:
Mưyaum Po Ong
biak jak
Sa bbaik jagak
nau tok ginrơh
Mưyaum Po Ong
biak ghơh
Nau tok ginrơh
di cơk Aih Mrak
Urang nau lisei
ba hwak
Ong dơk dahlak
nhjuk dom pakau
Urang nhjuk
pakau đing pariak
Ong dơk dahlak
nhjuk đing alaiy
Khen Pô Ông khôn
thật
Một cây chà gạc
Ngài đi luyện công
Khen Pô Ông khéo
thật
Ngài đi luyện
công vùng núi hiểm
Người đi cơm
nước mang theo
Pô tôi chỉ mang
túi thuốc
Ống điếu người
đời mạ bạc
Pô tôi chỉ hút
ống tranh
…
Các bài tụng ca này được sáng tác để
ca ngợi công đức các vị vua, các vị anh hùng liệt nữ, để hát trong lễ dân gian,
nên chúng không tồn tại dưới dạng văn học thuần túy mà kết hợp nhuần nhị với các
nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc. Ông Mưdwơn hát các Damnưy theo nhịp trống
Baranưng (có đệm thêm trống Ginơng và kèn Xaranai) theo điệu múa của Muk Rija
(bà Rija) hay ông Ka-ing (vũ sư) trước tập thể khán thính giả xung quanh. Cho
nên, nếu âm điệu trong Damnưy Bia Apakar buồn da diết như cuộc sống tha hương cơ
cực của nàng thì ở Damnưy Xah Bin Bingu, tiết tấu của ca khúc lại vang lên một
cách dồn dập, bay bổng đánh nhịp cùng với tính cách và hành vi ngang tàng bay
bướm của nhân vật. Ở bài tụng ca, hình thức ấy chính là nội dung ấy.
…Chính nghệ thuật biểu cảm này, bằng
những điệp đoạn được vận dụng một cách thích hợp, cộng với hình ảnh giản dị và
lời lẽ dân dã mộc mạc mà các bài tụng ca Chăm mãi mãi gây được một cảm kích đặc
biệt đối với quần chúng. Cho nên, người ta sẽ không ngạc nhiên khi các lễ Rija
(mặc dù tính chất tôn giáo của nó) luôn luôn tập hợp được đông đảo khán thính
giả thuộc nhiều tầng lớp xã hội Chăm đến thưởng thức. Damnưy này đã giúp người
Chăm phần nào biết được giai thoại về các Po, Bia, Cei của mình. Qua bài hát, họ
cảm thấy các thần gần gũi với mình biết bao, gần gũi từ lối sống, lối nghĩ, lối
nói… Vì các thần thực ra chỉ là những con người như họ, nhưng có nhân cách, sự
nghiệp lớn hơn, được họ thần thánh hóa để trở lại bảo vệ cho cuộc sống tâm linh
của chính họ.
Inrasara