Ban chỉ đạo phát triển du lịch B

Ban chỉ đạo phát triển du lịch Bình Thuận: Đề ra các nhiệm vụ - giải pháp để thu hút được 3,5 triệu lượt khách

 BTO- Năm 2013, du lịch Bình Thuận đặt ra mục tiêu đón 3.500.000 lượt khách du lịch, tăng 11,3% so năm 2012, trong đó khách du lịch quốc tế 395.000 lượt, tăng 15%. Doanh thu từ du lịch đạt 5.000 tỷ, tăng 14,3% so năm 2012. Để đạt mục tiêu ấy, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Bình Thuận đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chính. Chuyên trang du lịch của Binhthuan Online xin giới thiệu đến bạn đọc các nhiệm vụ và giải pháp ấy.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện về quy hoạch chi tiết và đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch

- Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh đã được phê duyệt.

- Khẩn trương hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di tích tháp PosahInư và triển khai thực hiện để hình thành điểm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách tham quan.

- Sớm triển khai xây dựng hoàn thành các đề án: “xác định điểm bến du thuyền”, “Quy hoạch vùng thể thao giải trí trên biển”, “Quy hoạch Trung tâm thể thao biển quốc gia”, quy hoạch chi tiết khu bờ kè Hàm Tiến.

- Xúc tiến việc xây dựng các đề án đầu tư xây dựng Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né thành khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch Phan Thiết, điểm du lịch quốc gia Phú Quý theo Quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.

- Tích cực kiến nghị các bộ ngành Trung ương hỗ trợ vốn để triển khai các dự án giao thông đối ngoại quan trọng phục vụ du lịch như: nâng cấp Quốc lộ 55, đường Lương Sơn – Đại Ninh, đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú.

- Chủ động làm việc với các chủ đầu tư sớm xúc tiến dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, kêu gọi đầu tư sân bay Phan Thiết.

- Tích cực triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại phục vụ phát triển du lịch như: Lotte Mart, Trung tâm thương mại Rạng Đông; nâng cấp chợ Phan Thiết, chợ Mũi Né.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy triển khai các dự án đã chấp thuận đầu tư.

- Tiếp tục rà soát, phân loại các dự án đầu tư chưa triển khai, kiểm tra năng lực nhà đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chưa triển khai không có lý do chính đáng để bố trí dự án đầu tư khác.

-Kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch cộng đồng, các khu vực đã được quy hoạch nhưng chưa thu hút được đầu tư. Tiếp tục đầu tư nâng chất lượng khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né.

- Nghiên cứu xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực đầu tư du lịch do dừng Dự án cảng Kê Gà.

Tạo sự chuyển biến mới về loại hình, sản phẩm du lịch

- Tiếp tục triển khai Đề án City tour Phan Thiết, kêu gọi đầu tư các điểm đến, phát triển sản phẩm mới và hình thành các tour du lịch mới.

- Khảo sát, đánh giá các tour du lịch nội tỉnh nhất là các tour gắn với tham quan, mua sắm sản phẩm tại các làng nghề, cơ sở sản xuất tập trung, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển các tour du lịch gắn với tham quan, mua sắm trên địa bàn tỉnh.

- Tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh du lịch đồng thời giải quyết, xử lý tốt các vấn đề về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc chấp hành các quy định nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành.

- Tăng cường công tác quản lý đội ngũ hướng dẫn viên trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề về đất đai, lấn chiếm trái phép, kinh doanh du lịch bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, quảng cáo, giá cả trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ  du lịch.

- Tăng cường quản lý, đảm bảo các mặt an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở các điểm tham quan, du lịch như: Đồi Cát Bay, Bàu Trắng,  Công viên biển Đồi Dương – Phan Thiết. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông tại các tuyến, khu du lịch trọng điểm, quản lý tốt hoạt động cho khách thuê các phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn du khách.

- Tích cực xử lý, giải quyết thấu đáo, kịp thời các kiến nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nhất là vấn đề thả lưới tôm ven biển, hoạt động môtô nước. Thực hiện các biện pháp mạnh đối với hoạt động bán hàng rong, massage dạo ven biển Hàm Tiến, kinh doanh ăn uống khu quy hoạch quảng trường biển Hàm Tiến (bờ kè), xử lý rác thải chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Triển khai xây dựng, đảm bảo số lượng, chất lượng các nhà vệ sinh công cộng theo tiêu chuẩn phục vụ du khách tại các điểm du lịch theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Du lịch có trách nhiệm”;

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

- Đánh giá sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận giai đoạn 2010 – 2015 định hướng đến 2020.

- Tích cực tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý điều hành, trưởng bộ phận, nhân viên phục vụ, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bằng nhiều hình thức phù hợp. Chú trọng đào tạo nghiệp vụ, nghề du lịch cho lực lượng lao động  chưa qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu lao động du lịch khu vực Hàm Thuận Nam, La Gi, Mũi Né, Long Sơn – Suối Nước.

-  Triển khai tốt dự án đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga ngành du lịch Bình Thuận sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

-  Hỗ trợ hoạt động đào tạo nghiệp vụ, nghề du lịch của các cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

- Sớm  thành lập và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp Du lịch Mũi Né của Trường Đại học Phan Thiết để tăng cường đào tạo các ngành, nghề trực tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Bình Thuận trên website, báo chí, đài truyền hình trong và ngoài tỉnh trên nguyên tắc có chọn lựa, tiết kiệm và hiệu quả.

-  Xây dựng panô và ấn phẩm cẩm nang các điểm đến ngành du lịch Bình Thuận với yêu cầu hình ảnh chất lượng, thông tin đầy đủ, ngắn gọn, phong phú có ấn tượng. Xây dựng bản đồ du lịch Phan Thiết… phục vụ nhu cầu thiết thực của du khách trong nước và quốc tế.

- Tiếp tục tham gia Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và triển lãm du lịch quốc tế (ITE HCMC) năm 2013; đón tiếp các đoàn Famtrip  quốc tế tham dự ITE HCMC 2013 đến khảo sát, tham quan sản phẩm du lịch của Bình Thuận.

- Tham gia hội chợ triển lãm du lịch tại Hà Nội và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long để mở rộng khai thác thị trường khách nội địa từ khu vực phía Bắc và đồng bằng Sông Cửu Long.

-  Tham gia Hội chợ triển lãm hoặc Roadshow tại châu Âu và châu Á nhằm tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Thuận, phát triển thị trường khách châu Âu và châu Á đến Bình Thuận.

-  Nghiệm thu, sử dụng có hiệu quả Dự án “Ứng dụng công nghệ GIS phục vụ công tác quản lý, quảng bá du lịch Bình Thuận.

BTO

Cập nhật ngày 20-03-2013
Xem tin theo ngày