Văn hóa Chăm - bảo tồn và phát t
Văn hóa Chăm - bảo tồn và phát triển các giá trị
BT- Văn hóa là một vấn đề lớn, phong
phú, đa dạng, phức tạp... Những giá trị văn hóa là thước đo trình độ phát triển
và đặc tính riêng của mỗi dân tộc: “Một dân tộc thiếu văn hóa chưa phải là một
dân tộc thật sự hình thành, một nền văn hóa không có bản sắc dân tộc thì nền văn
hóa ấy không có sức sống thật sự của nó”. Chính vì thế, việc kế thừa và phát huy
bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung ở nước ta và dân tộc Chăm nói riêng
trong giai đoạn hiện nay giữ một vai trò rất lớn, góp phần xây dựng thành công
nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Văn hóa Chăm ở
Bình Thuận
Bình Thuận là địa phương tập trung
nhiều đồng bào Chăm sinh sống, với hơn 41.000 người, theo 2 tôn giáo là Bàlamôn
(gần 26.000 người) và Hồi giáo (Bàni) (hơn 15.000 người). Hằng năm, đồng bào
Chăm Bình Thuận tổ chức nhiều lễ hội, trong đó có 2 Lễ hội lớn là lễ hội Ramưwan
(30/3 chăm lịch và kéo dài 1 tháng) của người Chăm Bàni và Lễ hội Katê (1/7 chăm
lịch và kéo dài 1 tháng) của người Chăm Bàlamôn.
|
Lễ hội Katê. Ảnh: Đ.H |
Ramưwan là lễ hội lớn và có ý nghĩa
nhất trong hệ thống lễ hội của người Chăm Bàni... Tết Ramưwan là dịp để con
cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, các đấng sinh thành và cầu nguyện
cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh
phúc, mùa màng tươi tốt. Trong những ngày này dù làm gì, ở đâu và bận rộn đến
mấy chăng nữa, thì những người Chăm Bàni vẫn dành thời gian về quê, quây quần
cùng gia đình và người thân.
Katê là lễ hội mang ý nghĩa tưởng
nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Katê còn mang ý
nghĩa phồn thực, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con
người và vạn vật. Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa
của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu
giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn
tới lĩnh vực khác của văn hóa: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca,
ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để những
người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với
phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các
thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là
minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các
dân tộc Việt Nam. Đây là hai lễ hội lớn được đông đảo người dân trong nước nói
chung và ở Bình Thuận nói riêng biết đến vì nó mang tính truyền thống và thể
hiện rõ nét bản sắc văn hóa Chăm.
Giữ gìn và phát
triển
Những năm gần đây, tình hình thế
giới có nhiều biến đổi. Xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra như một cơn lốc cuốn
hút tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác
không thể đứng ngoài dòng chảy này. Kinh tế thị trường với những ưu điểm và mặt
trái của nó, có ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hóa truyền thống của các dân tộc
trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó có văn hóa của dân tộc Chăm. Hiện
nay, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo
điều kiện để các dân tộc phát triển đồng đều và vững chắc, đóng góp vào việc
thực hiện mục tiêu chung của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6-1991) đã xác định nền văn hóa
tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa VII đã chỉ rõ: Nền văn hóa mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn
hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Vì vậy giữ gìn, kế thừa và phát huy
bản sắc văn hóa của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó
có dân tộc Chăm đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức toàn diện và sâu
sắc về phương hướng, đặc trưng, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng, bảo tồn và
phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời,
đây cũng là cơ sở để chúng ta kế thừa những quan điểm và thành tựu lý luận của
Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Hồng Hiếu