Bàu Trắng - điểm hẹn của du khác
Bàu Trắng - điểm hẹn của du khách
BT- Nằm trong top 100
điểm du lịch được yêu thích khu vực phía Nam năm 2016, Bàu Trắng đang trở thành
điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi về Bình
Thuận.
|
Rất đông du khách chọn Bàu Trắng là điểm
đến tham quan, trải nghiệm. |
Thắng cảnh níu chân
du khách
Cách TP. Phan Thiết khoảng 65
km về hướng Đông Bắc. Bàu Trắng mang vẻ đẹp độc đáo với sự kết hợp của 2 bàu
nước trong xanh trải dài gọi là Tiểu Hồ (Bàu Ông) và Đại Hồ (Bàu Bà). Thắng cảnh
này xưa kia thuộc làng Bình Nhơn, huyện Hòa Đa. Từ năm 1975 đến nay, thuộc thôn
Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Trong số những đồi cát ở Bàu Trắng, nổi
bật nhất là đồi cát Trinh Nữ nằm về phía Đông Bắc của Bàu Bà, tạo hình ảnh sống
động, biến đổi qua từng khoảnh khắc thời gian. Cả hai yếu tố kết hợp đan xen,
hòa quyện vào nhau tạo nên một sức sống kỳ diệu mang hơi thở nóng bỏng của cát,
dịu mát của bàu nước và hương vị mặn nồng của biển. Đến đây, du khách được hòa
mình vào các trò chơi trượt cát, cưỡi đà điểu, câu cá, trải nghiệm với xe địa
hình chinh phục những đồi cát hay đắm mình trong hương sen thơm ngát để tìm cảm
giác thư thái giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình.
Anh Nguyễn Phú Bắc – du khách
đến từ Bình Dương chia sẻ: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng chưa có điểm đến
nào cho mình sự yên bình, như được trở về nơi chốn quê giống như ở Bàu Trắng”.
Chính sự hoang dã, mộc mạc,
bình yên ấy mà cảnh quan Bàu Trắng thu hút những người say mê cái đẹp, yêu thiên
nhiên về nơi đây tìm cảm hứng cho sự thăng hoa trong sáng tác nghệ thuật. Nổi
bật là tác phẩm “Dốc” (ảnh đạt huy chương vàng quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ); “Đường
đời” (ảnh đạt huy chương bạc quốc tế, tại Ý năm 2016) của nhiếp ảnh gia Tâm Mỹ.
Theo Ban quản lý điểm du lịch
thắng cảnh Bàu Trắng, năm 2011 tổng lượng khách trong nước và quốc tế đến tham
quan là 95.000 lượt khách, đến năm 2018 có 185.000 lượt khách.
Điểm di tích linh
thiêng
Thắng cảnh Bàu Trắng được bao
bọc bởi các triền cát rộng mênh mông, chạy dài nối tiếp nhau xen lẫn với những
vạt cây rừng thấp và được ví như một tiểu sa mạc. Địa danh này còn chứa đựng
nhiều giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình khai phá, tạo lập và xây dựng
cuộc sống của các thế hệ người dân địa phương trên vùng đất linh thiêng này.
Ông Nguyễn Chí Phú - Phó Giám
đốc Bảo tàng tỉnh thông tin: Xưa kia xung quanh khu vực Bàu Trắng có nhiều làng
mạc của người Chăm sinh sống. Do nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo nên người Chăm đã
xây dựng đền thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở (Po Inư Nưgar) để làm chỗ dựa tinh thần. Theo
dòng thời gian, sự tác động của yếu tố lịch sử nên người Chăm đã rời làng đi nơi
khác sinh sống. Thực hiện chính sách di dân vào phương Nam lập nghiệp của chúa
Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ XVIII các nhóm cư dân người Việt (Kinh) từ các tỉnh
phía Bắc và Trung Trung bộ đã đến vùng đất này khai phá tạo lập cuộc sống. Sau
đó tiếp quản đền thờ Po Inư Nưgar của người Chăm thành đền thờ Thiên Y A Na và
thờ cúng theo phong tục của mình. Ngôi đền thờ Thiên Y A Na (còn gọi là đền thờ
Bà Chúa Động) nổi tiếng linh thiêng nằm bên bờ Bàu Bà gắn với nhiều sự tích mang
yếu tố tâm linh huyền bí.
Trải qua thời gian, do sự hủy
hoại của môi trường tự nhiên và bom đạn chiến tranh nên đền thờ Thiên Y A Na bị
sụp đổ, hiện chỉ còn lại nền móng và một số mảng tường rêu phong cổ kính. Năm
1975 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, người dân địa phương xây
dựng lại ngôi đền mới trong khu dân cư, ở vị trí cách đền thờ cũ khoảng 500 m về
phía Tây.
Bàu Trắng còn gắn liền với
khu căn cứ cách mạng Lê Hồng Phong trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động chiến đấu gian khổ, hy sinh thầm lặng
nhưng rất đỗi tự hào của quân và dân Bình Thuận.
Phát huy thế mạnh
điểm đến
Tại quyết định năm 2018 của
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc
gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó có
đoạn “Danh thắng Bàu Trắng được xác định là điểm du lịch quan trọng, biểu tượng
độc đáo của Mũi Né. Định hướng khai thác các giá trị cảnh quan gắn với bảo vệ
môi trường” và mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Bàu Trắng trở
thành di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Đây là tin vui, vừa là trách nhiệm
bảo tồn, phát huy giá trị điểm đến này.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch cho biết: Thời gian tới sẽ phối hợp với UBND huyện Bắc Bình xây dựng và ban
hành quy chế hoạt động, củng cố, kiện toàn Ban quản lý điểm du lịch thắng cảnh
Bàu Trắng. Gìn giữ tối đa các yếu tố nguyên gốc về cảnh quan, môi trường tự
nhiên và sinh thái vốn có. Đồng thời tổ chức cắm mốc phân định ranh giới khu vực
khoanh vùng bảo vệ I và II của thắng cảnh. Khôi phục lại ngôi đền thờ để phục vụ
nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách. Tăng
cường tuyên truyền, quảng bá thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp,
cộng đồng người dân địa phương trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị thắng
cảnh. Tuyên truyền, vận động hộ dân khu vực quanh bờ hồ không được tùy tiện lấn
chiếm, san lấp làm nhà ở và sản xuất…
Tổng thể thắng cảnh Bàu Trắng được các ngành chức năng thống nhất khoanh
vùng bảo vệ với tổng diện tích 371,88 ha. Trong đó khu vực I 285,91 ha;
khu vực II 85,97 ha. Riêng Bàu Ông có diện tích mặt nước khoảng 47,9 ha,
chiều dài hơn 2,3 km, nơi rộng nhất khoảng hơn 300 m, nơi hẹp nhất
khoảng 60 m. Bàu Bà có diện tích mặt nước khoảng 106,9 ha, chiều dài hơn
2,7 km, nơi rộng nhất khoảng hơn 600 m, nơi hẹp nhất khoảng 200 m. |
Thùy LinH