Mùa sầu riêng Tà Pứa
Mùa sầu riêng Tà Pứa
BT- Gần đây, nhiều người đã biết đến
hương vị sầu riêng Tà Pứa (Tánh Linh). Sầu riêng Tà Pứa không còn quẩn quanh
với người tiêu dùng Tánh Linh mà đã ngược lên Bảo Lộc (Lâm Đồng), vào tận Long
Khánh (Đồng Nai) - thủ phủ của sầu riêng Đông Nam bộ và đặc biệt vào đến thành
phố Hồ Chí Minh. Nhiều người bảo sầu riêng Tà Pứa thơm nồng nhưng ngọt dịu.
Tiếng lành đồn xa đã kéo tôi về Tà Pứa vào mùa sầu riêng chín rộ…
Ông Phạm Văn Chín, Bí thư chi bộ
thôn 5 Tà Pứa vui vẻ đưa chúng tôi ra thăm một vườn sầu riêng của gia đình.
Sầu riêng, theo ông Chín nói thường
ra hoa vào tháng 3, tháng 4 và cho trái từ tháng 5 đến tháng 9 và chỉ chịu nắng
không chịu mưa, mưa xuống nhất là mưa dầm sầu riêng sẽ bị sượng. Do vậy người
trồng sầu riêng nơi đây đã tìm cách vun bồn tưới nước, kích thích tăng trưởng để
thu hoạch sớm. Ông Chín cho hay: Làm sao để vừa ăn tết xong khoảng một tháng
(tức khoảng tháng 3, tháng 4) có sầu riêng thu hoạch là thắng lớn. Vì sầu riêng
đầu mùa thường rất ngon, giá lại cao. Mỗi cây sầu riêng cho khoảng 60 trái/mùa,
mỗi trái sầu riêng hạt trung bình từ 1 - 2 kg, không hạt từ 3 - 5 kg. Đầu mùa
đến nay, giá sầu riêng vẫn giữ mức cao: 40.000 đồng/kg sầu riêng không hạt và
20.000 đồng/kg sầu riêng hạt.
Cũng giống như thanh long, người
trồng sầu riêng ở thôn 5 Tà Pứa không quá vất vả vì khâu tiêu thụ, bởi vào thời
điểm thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua. Họ chọn những trái sầu riêng nở
gai, chặt xuống và cân ký. Nhà vườn chỉ việc tính tiền. Những trái sầu riêng
không hạt trên 5 kg được xếp vào loại I, đến tay người tiêu dùng chắc cũng phải
gấp đôi giá mua tại vườn. Chúng tôi nếm thử cả hai loại sầu riêng có hạt và
không hạt, chín cây, vừa rụng trong vườn nhà ông Chín. Loại có hạt cơm mỏng,
ngọt thanh, thơm dịu và hơi béo. Loại không hạt cơm dày, ngọt gắt, thơm nồng, ăn
không nổi đến múi thứ ba. Ăn sầu siêng, mấy ai nghĩ đến cái lớp vỏ đầy gai, xù
xì đã bao bọc bảo vệ những múi sầu riêng vàng ươm vừa ngon, vừa đẹp. Tạo hóa
thật bí ẩn và kỳ diệu biết bao…
Thôn 5 Tà Pứa có 179 hộ, hầu hết là
đồng bào dân tộc, đời sống còn nhiều khó khăn. Diện tích sầu riêng không nhiều,
chỉ khoảng 5 ha, trong đó bà con đã trồng xen với cây cà phê và cây hồ tiêu. Còn
lại nhà nào cũng trồng vài cây, như nơi khác trồng xoài, đến mùa sầu riêng có để
ăn, không phải mua. Nhiều hộ thoát nghèo và cải thiện kinh tế gia đình, khấm khá
hẳn lên như hộ ông K’ Gum, có 4 ha, mỗi năm thu hoạch vừa cà phê, hồ tiêu và sầu
riêng được khoảng 500 triệu đồng. Ông Trương Minh Thành, trước đây là Thôn
trưởng thôn 5, hai năm nay gia đình ông tập trung trồng 7 sào sầu riêng theo kỹ
thuật mới, hứa hẹn thu hoạch mùa sầu riêng năm tới sẽ nhiều tín hiệu vui.
Có thể nói, thiên nhiên có phần ưu
đãi cho Tánh Linh, một huyện vùng núi thuộc phần kéo dài ra biển của Trường Sơn
Nam. Với khí hậu gần như dịu mát quanh năm, đất đai màu mỡ, thích hợp với
nhiều loại cây trồng, Tánh Linh rất phong phú về sản vật. Và Tà Pứa, mảnh đất
cuối cùng của huyện, thuộc vùng đệm giữa cực Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên, là
một nơi thích hợp với nhiều loại cây trồng như thế. Một lần đến Tà Pứa, vào vườn
của người Kinh, của đồng bào K’ho, được thưởng thức sầu riêng chín tới, ta mới
hiểu vì sao sầu riêng Tà Pứa ngày một đi xa, cũng như nguyên nhân mà nhiều người
Tà Pứa ngày một khá lên.
Võ Thị Bích Phượng