40 năm bảo tồn và phát huy nghệ

40 năm bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chăm ở Bình Thuận

BT- Sau khi có Chỉ thị số 121-CT/TW ngày 26/10/1981 của Ban Bí thư Trung ương về công tác đối với đồng bào Chăm ra đời, với chủ trương “Có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa dân tộc Chăm, trùng tu các ngôi tháp Chăm, nhất là số tháp đang ở trong tình trạng hư hỏng; khôi phục một số trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Chăm; tiếp tục thực hiện việc dạy chữ Chăm cổ; khuyến khích phong trào văn nghệ quần chúng, nhất là ở cơ sở, đầu tư củng cố, xây dựng đoàn văn nghệ Chăm không chuyên đang hoạt động”. Từ đây công tác nghiên cứu khoa học đối với văn hóa Chăm được đầu tư thực hiện, tạo nên một luồng sinh khí mới sống động.

Về văn hóa vật thể

Bắt đầu từ năm 1982, với sự quan tâm của Chính phủ Ba Lan đã cử nhiều đoàn chuyên gia có trình độ tay nghề cao và đã từng tu bổ, phục hồi nhiều di tích cổ ở các nước châu Âu, châu Á như TS-KTS. Kazit, Ukar... Ở Việt Nam có các chuyên gia được đào tạo tại Ba Lan, Đức về tu bổ di tích cổ như GSTS-KTS. Hoàng Đạo Kính, TS-KTS. Lê Thành Vinh, TS. Nguyễn Hồng Kiên… của Trung tâm Tu bổ di tích trung ương. UBND tỉnh Thuận Hải lúc đó đã rất hoan nghênh hợp tác với đoàn chuyên gia, để thực hiện việc tu bổ tôn tạo một số tháp Chăm bị xuống cấp nghiêm trọng và đang trong quá trình sụp đổ, như nhóm tháp Po Kong Girai, nhóm tháp Porome ở Ninh Thuận và nhóm tháp Po Sah Inư, nhóm tháp Po Dam (Pô Tằm) ở Bình Thuận.

Đầu tiên là chống xuống cấp, tu bổ và đi đến phục hồi từng phần tháp Po Kong Girai. Từ năm 1982 - 1988, hàng năm từ tháng 3 - 9 trước mùa mưa, đoàn chuyên gia Ba Lan và Trung tâm Tu bổ di tích trung ương lại đến Phan Rang làm nhiệm vụ. Họ hướng dẫn cho những người thợ của Công ty xây dựng số 2 (ở Thuận Hải lúc đó có 2 công ty xây dựng, Công ty xây dựng 1 ở Phan Thiết và Công ty xây dựng 2 ở Phan Rang) cách cắt gạch, mài gạch, cách xây không để lại mạch hồ… Bắt đầu gia cố nền móng các tháp (tháp cổng, tháp nhà, tháp chính). Cái khó là không thể kiếm đâu ra gạch Chăm to bản như ở tháp, mỗi viên nặng khoảng 10 kg, lớn gấp 5 lần viên gạch thường và nhiều chỉ số khác. Ấy vậy mà nhờ được chuyên gia Ba Lan hướng dẫn và cùng làm thí nghiệm ở lò gạch của Hợp tác xã Tân Hội, khoảng vài chục lần thí nghiệm thì thành công. Nhờ đó hàng ngàn viên gạch Chăm phục chế đủ để tu bổ phục hồi cả nhóm tháp Po Kong Girai. Hàng chục pho tượng đá trên các vòm tháp bị mất trước đây đều được phục hồi từ nhóm thợ điêu khắc từ Non Nước, Quảng Nam, để đủ lắp vào chỗ thiếu… Tại nhóm tháp này năm 1983, khi đang gia cố đế tháp thì phát hiện được 5 chiếc chén bằng vàng. Kiên trì như vậy sau 7 năm thì cả 3 tháp trong nhóm đều được tu bổ, phục hồi và trở thành tháp Chăm đẹp nhất trong các tháp Chăm hiện có ở Việt Nam.

Tiếp tục việc tu bổ phục hồi nhóm đền tháp Pô Sah Inư, từ năm 1987 - 1998. Hơn 10 năm với các công đoạn như đã từng làm ở nhóm tháp Po Kong Girai, nhưng phức tạp và khó khăn hơn, bởi nhóm đền tháp này có niên đại sớm hơn Po Kong Girai 500 năm. Do đó các tháp ở đây cũng bị hư hại nhiều hơn, gần như chỉ còn lại các ụ đất cao, cùng với những cây leo cổ thụ quấn hết toàn bộ các tháp. Do vậy, ngay ở gần Phan Thiết mà ít người biết đến ngôi tháp cổ này. Tại đây những năm 1990 - 1994, khi khai quật khảo cổ học đã phát hiện 7 nền móng tháp và nhiều hiện vật khác có giá trị về kiến trúc điêu khắc.

Với tháp Po Dam (Pô Tằm) ở Phú Lạc, Tuy Phong. Công tác khảo cổ học đã đưa lại những hiểu biết mới về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng của người Chăm ở nhóm tháp cổ này. Trong đó quan trọng hơn cả là việc phát hiện tấm bia đá khắc bằng chữ Phạn cổ, cho biết niên đại của nhóm tháp là từ năm 710 sau công nguyên. Nhờ đó chúng ta biết thêm về niên đại và một phần lịch sử xây dựng của nhóm tháp, đồng thời cũng cho biết thêm mối liên hệ giữa nhóm tháp này với các nhóm tháp khác trong kiến trúc và nghệ thuật. Qua đó khẳng định tháp Po Dam là ngôi tháp cổ nhất ở miền Trung được phát hiện chắc chắn đến thời điểm này, ngoại trừ  một số kiến trúc ở Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Ngoài ra, trong 40 năm qua, Bảo tàng Bình Thuận cũng đã phát hiện thêm từ trong lòng đất hoặc trong rừng núi 11 nhóm đền tháp Chăm khác, như nhóm đền tháp Hàm Thắng (chùa Phật nổi); cụm tháp Bàu Xuyên; cụm tháp Mương Mán; cụm tháp Hàm Thạnh; cụm tháp Hàm Cường; cụm tháp Làng Gọ; cụm tháp Pô Ptao Yang Tôm; cụm tháp Liêm An; cụm tháp Liêm Hòa; cụm tháp Bà Châu Rế và cụm tháp Bình Tân.

Mỗi nhóm trung bình có từ 3 - 4 tháp (một tháp chính và các tháp phụ), nhưng có những nhóm tháp có đến 6 - 8 tháp, chia thành 2 nhóm như cụm tháp Po Dam và cụm tháp Làng Gọ. Số đền tháp Chăm nhiều như vậy ở Bình Thuận chỉ xếp sau Mỹ Sơn (Quảng Nam), nhưng không tập trung trong một thung lũng như Mỹ Sơn mà rải rác ở các vùng rừng núi của huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.

Về văn hóa phi vật thể

Trước hết phải kể đến những công trình nghiên cứu khoa học trong 40 năm sau giải phóng của các nhà khoa học: Người Chăm ở Thuận Hải (1989) của nhiều tác giả; Văn hóa Chăm (1991) của Phan Xuân Biên, Phan An và Phan Văn Dốp; Văn hóa Chămpa (1994) của Ngô Văn Doanh; Vương quốc Champa (2006) của GS Lương Ninh…

Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa từ trong lễ nghi, lễ hội của người Chăm, công việc nghiên cứu đã được tiến hành trong thời gian dài và liên tục với nhiều thể loại khác nhau. Từ văn hóa dân gian, tín ngưỡng, lễ nghi, lễ hội, làng nghề... được phục dựng và phát huy những đặc trưng cơ bản của văn hóa Chăm. Những nghiên cứu khoa học bước đầu đã đem lại những kết quả rất đáng khích lệ như: Đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu di tích lịch sử - văn hóa Chăm phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa tỉnh Bình Thuận (năm 2005 - 2006)”; “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đảo Phú Quý phục vụ phát triển du lịch (năm 2005 - 2007).

Ngoài ra, còn có các đề tài thuộc Chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Lễ hội Ramưwan của người Chăm hồi giáo Bình Thuận (1999 - 2000); Đám cưới của người Chăm hồi giáo cũ ở Bình Thuận (2001); Nghề gốm truyền thống của người Chăm Bình Đức, huyện Bắc Bình (2004)... Các đề tài này đều do Bảo tàng Bình Thuận thực hiện.

Trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhiều tác phẩm múa dân gian và cung đình Chăm đã được NSND Đặng Hùng, NSƯT Thu Vân tiếp thu từ các nghệ nhân rồi cải biên, nâng cao và cho ra đời nhiều tiết mục hết sức độc đáo và đặc sắc. Có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu được giới chuyên môn cả nước đánh giá cao, được cộng đồng người Chăm thừa nhận như: bộ ba tác phẩm Ước mơ, Khát vọng, Niềm tin của NSND Đặng Hùng; các tác phẩm Huyền thoại Baghavati, Khát vọng sinh tồn, Tình làng gốm của NSƯT Thu Vân. Kịch hát Lửa tình yêu của soạn giả kiêm đạo diễn Hải Liên và nhiều công trình khác đã góp phần thiết thực mở ra một phương hướng mới nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc Chăm ở Bình Thuận.

Từ chỗ chỉ có các nhóm múa và dân ca hình thành tự phát trong các thôn xóm, đến nay đã có đoàn ca múa nhạc dân gian dân tộc Chăm ở tỉnh và đoàn nghệ thuật không chuyên dân gian Chăm ở huyện Bắc Bình, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu bảo tồn cũng như thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Đến nay đã có 5 di tích Chăm được thiết lập hồ sơ khoa học và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đó là các di tích: nhóm đền tháp Pô Sah Inư, Po Dam; đền thờ Pô Klong Mơh Nai và bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm, đền thờ Pô Nit, đền thờ công chúa Bàn Tranh và 1 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh là đền thờ Po Nrop và trong năm 2015 sẽ là đền thờ Po Klaong Kasat. Ngoài ra công trình nghiên cứu về làng nghề gốm ở Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình lần đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở cả khu vực phía Nam.

Những công trình nghiên cứu trên đây mới chỉ là bắt đầu. Công cuộc nghiên cứu sẽ được tiếp tục để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của tổ tiên, một mặt phát huy các yếu tố tích cực phục vụ đời sống văn hóa của người dân, mặt khác từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong văn hóa, nhằm nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào Chăm.                 

Xuân Lý

Cập nhật ngày 07-05-2015
Xem tin theo ngày