Cưỡi đà điểu… hút du khách

Cưỡi đà điểu… hút du khách

BT- Có đến chục du khách  chờ đợi để được ngồi lên lưng đà điểu đi  một vòng trên sân cát. Đã hơn một năm nay, trò cưỡi đà điểu của quán  Đà Điểu - Khu du lịch Đồi Hồng – Mũi Né đã thật sự hút khách.

Đà điểu là loại động vật hoang dã, hay lồng lên và chạy bạt mạng với tốc độ cao, nên việc huấn luyện không hề đơn giản, cần sự kiên trì. Anh Nguyễn Văn Hoàng, huấn luyện viên cho hay: Phải dành nhiều thời gian để làm quen, cho ăn uống để đà điểu gần gũi con người. Khi đà điểu quen hơi là lúc tập cho con vật đi từng bước, rẽ phải, rẽ trái, đứng lại; tập cho đà điểu biết chở. Muốn vậy phải đặt bao cát lên lưng con vật từ nhẹ đến nặng dần. Cuối cùng là tập để đà điểu cho cưỡi. Mỗi động tác  phải  làm đi làm lại nhiều lần  đến lúc đà điểu thuần thục... Cũng theo anh Hoàng, trong thời gian tập, đà điểu hay đá và mổ rất đau, nhưng khi quen rồi thì con vật rất hiền lành.

Du khách đang cưỡi đà điểu 7 tuổi.

Đà điểu huấn luyện để cưỡi phải là con trống, với bộ lông đen tuyền, mỏ đỏ và đường lằn đỏ dọc chân. Khi trưởng thành,  đà điểu trống cao khoảng 1,8 - 2,7m, cân nặng khoảng 160 -170kg (người lớn cưỡi được). Con mái thì có lông màu xám, đẻ trứng to gần bằng quả dừa xiêm dây với vài chục trứng/năm.

Sân cưỡi đà điểu ở  quán Đà Điểu hiện nay rộng gần 200m2, được phủ lớp cát mịn dày, xung quanh rào lưới B-40.  Đà điểu trưởng thành (7 tuổi) có thể chở được  người ở nhiều lứa tuổi. Để du khách có thể an toàn trên lưng đà điểu, một bộ yên giống như yên ngựa được gắn trên lưng  con vật.

Anh Lê Văn Lâm, du khách đến từ TP. HCM hào hứng, nói: “Sau khi lên yên, chuẩn bị tư thế, vỗ vào người, thế là đà điểu phi. Lần đầu tiên cưỡi đà điểu, thật thú vị làm sao! Đà điểu đang đi chầm chậm thì đột ngột chạy thật nhanh và ngược lại, chính vì thế tạo nhiều cảm giác đan xen”.

Cũng theo anh Hoàng, đà điểu đã thuần rồi thì hiền lành. Đang  cưỡi mà té, nó không đá, không giẫm, không mổ vào người. Cưỡi đà điểu muốn không bị ngã thì đừng bao giờ ôm cổ con vật vì khi ôm  cổ nó nhột sẽ lồng lên. Để du khách cưỡi được trên lưng đà điểu, loài chim lớn nhất thế giới còn gọi “chim lạc đà”, phải cần huấn luyện viên kiên trì dạy dỗ chúng trong suốt thời gian dài hơn 3 năm.

Trang  Minh

Cập nhật ngày 22-08-2014
Xem tin theo ngày