Cồn Cỏ - hòn ngọc giữa trùng khơ
Cồn Cỏ - hòn ngọc giữa trùng khơi
BT- Trải qua sự tàn phá ác liệt của
chiến tranh, đảo Cồn Cỏ nay được khoác lên mình “tấm áo mới” với bao sự đổi thay
kỳ diệu. Ngày qua ngày, quân và dân trên đảo đang vun đắp, xây dựng đảo, góp
phần tạo nên sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi.
Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Đông của huyện
Vĩnh Linh (Quảng Trị), cắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền khoảng 25km. Do nằm
ở vị trí trọng yếu nên đảo Cồn Cỏ được xem là vọng gác tiền tiêu, là “mắt thần”
của đất liền.
Đảo
anh hùng
Theo một số tài liệu lịch sử ghi
lại, sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có sự hiện diện của con
người. Nhận biết được vị trí đặc biệt quan trọng của hòn đảo, năm 1959, Tư lệnh
và Chính ủy E270 thuộc đặc khu Vĩnh Linh lệnh cho một trung đội pháo 127 ly của
Trung đoàn 270 Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy
vượt sóng gió tiến ra đảo. Đúng 11 giờ ngày 8/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm
lên đảo, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên đảo.
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ,
đảo Cồn Cỏ là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường
miền Nam. Đặc biệt, trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có
hơn 4.000 chuyến thuyền tiếp tế hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí cho đảo. Để ngăn
chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, Mỹ - Ngụy đã nhiều lần cho quân đổ
bộ, vây ráp, ném bom đánh phá rất ác liệt. Tuy nhiên, bằng niềm tin và ý chí bảo
vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đập tan
mọi âm mưu của kẻ thù.
Với những thành tích đã đạt được,
đảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân. Lần đầu vào ngày 1/1/1967 và lần thứ hai vào ngày
25/8/1970.
Hòn ngọc giữa
trùng khơi
Ngày 1/10/2004, Thủ tướng Chính phủ
ra Nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây
dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo du lịch”. Đảo Cồn Cỏ là nơi hội tụ
của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái
rạn san hô, là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá
trị kinh tế cao và đặc hữu. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc vào dạng
quý hiếm với gần 80% diện tích trên đảo là rừng.
Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ có
dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ
với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng là rất nhiều chuối rừng và
nhiều loại cây dây leo khác, trong đó có một số là cây dược liệu, tạo nên một sự
phong phú đa dạng về hệ sinh thái. Dọc bờ biển là những hàng cây phong ba, vươn
mình trong sóng
gió.
Đ.Đ