Thăm lại Củ Chi đất thép thành đ

Thăm lại Củ Chi đất thép thành đồng

BT- Đoàn của lớp Trung cấp lý luận Chính trị tại chức khóa 51 (Bình Thuận), với hơn 100 học viên đi thực tế địa đạo Củ Chi, vào đúng những ngày mà TP. Hồ Chí Minh nóng hầm hập. Vùng đất huyền thoại này giờ đã khác  so với những năm 1990. Trải qua hơn 10 năm, các rừng cây mới trồng đã lên cao xen với rừng tự nhiên, tạo nên một màu xanh dễ chịu. Địa đạo Củ Chi được gia cố chắc chắn, cũng như có thêm một số hình nhân làm bằng chất liệu composite, mô tả không khí phòng họp, hoạt động của trạm xá, ụ chiến đấu của hầm tránh bom, nơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ thời chiến tranh.

Đường vào Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Quốc Hùng.

Địa đạo Củ Chi có từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp và phát triển mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo được đào chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường xương sống (đường chính) tỏa ra vô số các nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương). Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Trong địa đạo có nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh… Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo, vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt… Hầm bí mật cấu tạo theo nhiều cách nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ địch đi trên mặt đất khó phát hiện. Trong kháng chiến, ở vùng đất Củ Chi, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc. Địa đạo Củ Chi trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với địch trong suốt cuộc chiến tranh.

Quần thể địa đạo Củ Chi hiện nay có Đài tưởng niệm Bến Dược hiện đại, trang nghiêm, trong đó tháp 9 tầng cao 39m uy nghi giữa trời. Trong đền  Bến Dược có họ tên  đầy đủ của 44.357 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

 Địa đạo Củ Chi đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây cũng là điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ và niềm kính phục của bạn bè thế giới.

 Đoàn chúng tôi vào đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, thắp hương bày tỏ lỏng biết ơn người đã khuất, những người con ưu tú đã đóng góp máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

LÊ NINH

Cập nhật ngày 21-03-2014
Xem tin theo ngày