Du xuân Tà Cú

Du xuân Tà Cú

BT- Như một lịch trình lập sẵn, cứ vào dịp trẩy hội mùa xuân, hành hương lễ phật thì Tà Cú là địa danh không thể thiếu của người dân bản xứ và khách thập phương...

Đối với tôi, khu du lịch núi Tà Cú không còn xa lạ, nhưng khi có dịp giới thiệu cho ai đó, bạn bè ở xa thì địa danh này vẫn được ưu tiên. Vì nhiều lẽ, nó nằm gần quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cách TP Phan Thiết 30km. Đây là một hòn núi có phong cảnh khá đẹp, cây cối xanh um, hoa rừng nở đỏ cả góc trời, trọng tâm của khu du lịch là đỉnh núi Tà Cú.

ảnh: Đình Hòa

Nếu như mấy năm trước đến với Tà Cú, dù là khách hành hương hay du lịch cũng chỉ duy nhất là men theo con đường mòn với hơn 1.000 bậc thang, tốn hơn nửa ngày đường để lên núi. Đây có lẽ là lựa chọn cho những bạn trẻ thích khám phá, thích thử sức mình và có sức khỏe tốt, có kế hoạch ngủ lại trên núi thực hiện. Tuy nhiên bây giờ, lên tới đỉnh Tà Cú không còn khó khăn như trước, từ trong cabin du khách có thể phóng tầm mắt tận hưởng cảm giác lướt trên những ngọn cây cổ thụ xanh um, cây dong nở hoa đỏ rực. Đâu đó trong không trung, hương hoa thoang thoảng, tiếng chim hót, gió biển thổi nhẹ càng dễ chịu. Rời cáp treo, rảo bước thêm khoảng 100 bậc thang, một vùng biển xanh bao la, trải dài như nối vào đường chân trời, ngọn hải đăng Kê Gà bao năm trầm mặc, những mái nhà thấp thoáng, những con đường uốn lượn hiện ra trước mắt du khách…Tiến sâu hơn vào đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng loạt các bức tượng Phật, ấn tượng nhất là bức tượng Phật nằm dài 49m, cao 11m. Đây cũng là công trình được nhận kỷ lục “Tượng Phật nằm trên núi lớn nhất châu Á”.

Phải nói rằng, Tà Cú thu hút du khách không đơn giản là phong cảnh, danh thắng có từ lâu đời mà còn có một giá trị văn hóa. Văn hóa tín ngưỡng, đầu năm đi lễ chùa, cầu mong gia đạo bình an cũng là tâm nguyện của hàng triệu người Việt. Chị Đinh Thị Ngọc Hạnh (Bà Rịa - Vũng Tàu), chia sẻ: “Năm nào dịp tết gia đình cũng tổ chức đi chùa, và nơi đến là Tà Cú. Ở đây mát mẻ lắm và cũng là nơi linh thiêng”. Tại khu vực tượng Phật nằm, người người thành tâm khấn vái, người chụp ảnh kỷ niệm. Tiếng cười đùa, tiếng rì rầm phá tan không gian tĩnh mịch.

Rời tượng Phật nằm, du khách tiến về phía Đông của đỉnh núi, đến một hang núi sâu thẳm chứa đựng biết bao điều bí ẩn với bao huyền thoại về người khai sáng đã tịnh độ ở đây: hang Tổ. Hang Tổ được kết cấu bởi khá nhiều khối đá, và dẫn sâu xuống dưới khoảng 100m, ăn thông ra ngọn núi đằng sau. Hang khá tối, lòng hang hẹp, thấp, mỗi bậc đá dẫn xuống hang cao non 1m. Vì là hang, nên muốn khám phá cần đi theo nhóm ít nhất 2 người. Và dụng cụ thiết yếu mang theo phải có là đèn pin. Bóng tối, những tảng đá trơn trượt, cảm giác không biết khi đặt chân xuống bậc đá thấp hơn có chạm phải con vật nào đó khiến nhiều du khách bỏ cuộc. Nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh xa, xem hang Tổ là thử thách để khám phá, trải nghiệm nên mạnh chân tiến tới. Càng xuống sâu, không khí càng ít đi, vài người cảm thấy khó thở nhưng kỳ lạ là chiếc đèn cầy trên tay vẫn cháy sáng, ánh sáng vàng vọt khiến hang càng bí ẩn, khó đoán. Xuống đến cuối hang, một mạch nước ngầm chảy róc rách. Nước chảy qua nhiều rễ cây, rồi kết thành dòng, nên khi uống có cảm giác ngọt lịm, thơm nhẹ, uống vào thấy mát và sảng khoái vô cùng. Hơn hai tiếng sau, mọi người đã xuất hiện ở cửa sau của hang, vài người bị trầy xước tay do đá, vài chiếc dép sứt quai, mệt mỏi nhưng tiếng cười, ánh mắt không giấu vẻ tự hào khi chia sẻ chai nước dưới hang cho bạn bè, người thân.

Theo thống kê của Ban Quản lý khu du lịch Tà Cú, chỉ tính riêng từ mùng 1 đến mùng 6 tết Âm lịch, Khu Du lịch Tà Cú đã đón 30.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi giải trí. Với chi phí khoảng 160.000 đồng/ người (gồm vé vào cổng, vé xe điện, đi cáp 2 chiều) du khách có thể tham quan thoải mái nhiều nơi cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Quang Nhân

Cập nhật ngày 10-02-2014
Xem tin theo ngày