Kỳ diệu với công trình tượng Ph
Kỳ diệu với công trình tượng Phật nằm trên núi Tà Cú
BT- Sự kiện xác lập kỷ lục châu Á
với tượng Phật nằm ở chùa núi Tà Cú mới đây có ý nghĩa rất quan trọng đối với
hoạt động phát triển du lịch của Bình Thuận. Với cảnh quan thiên nhiên phong phú
và những cụm kiến trúc cổ, ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ đã trải qua trên 141
năm do tổ sư Trần Hữu Đức khai sơn (1872) cùng các thế hệ tăng ni, phật tử kiến
tạo và bảo tồn tạo nên cảnh sắc quy mô, bề thế như ngày nay. Công trình có giá
trị nghệ thuật và mang ý nghĩa đóng góp công sức của con người, nặng lòng tín
ngưỡng tôn giáo. Pho tượng “Thích Ca nhập Niết bàn” với tư thế nằm nghiêng, đầu
gối lên tay lưng tựa vào vách núi, mặt quay về hướng biển Đông với nét mặt trầm
tư, an lạc. Chiều dài của ngôi tượng 49 m, tượng trưng 49 năm tu tịnh cho đến
khi nhập diệt. Cao nhất ở phần vai 12,2 m và phần bàn chân 8,8 m. Tượng được
khởi công xây dựng vào năm 1959 và hoàn thành năm 1962. Đến sau cuộc đảo chánh
Ngô Đình Diệm, công trình tiếp tục một số chỗ còn dang dở. Công trình này do
điêu khắc sư Trương Đình Ý (có người nhầm là kiến trúc sư) vừa thiết kế vừa trực
tiếp chỉ huy thi công. Trương Đình Ý tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương vào năm 1935. Về làm giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định một thời
gian bỗng dưng ông làm đơn xin nghỉ việc, từ bỏ phố thị, xuống tóc khoác áo già
lam lên núi Tà Cú để làm công quả xây tượng Phật. Với khả năng chuyên môn của
một điêu khắc gia tài hoa,Trương Đình Ý tập trung hết tâm lực vào công trình
tượng Phật mang được cái nét huyền nhiệm sâu sắc triết lý Phật giáo.
|
Ảnh: Đ.H |
Kỳ diệu với công trình tượng Phật
nằm ở chùa Tà Cú thật khó tưởng tượng vào hoàn cảnh lúc bấy giờ với một ngôi
chùa còn cheo leo ở lưng chừng núi cao trên 450 m, lối lên đến chùa phải qua
quãng đường dài ngoằn ngoèo trên 2 cây số, vượt bao dốc cao ngổn ngang đá tảng
và cây rừng chằng chịt. Như vậy làm sao vận chuyển được hàng ngàn tấn xi-măng,
sắt thép…để xây tượng Phật ròng rã suốt 4 - 5 năm trời. Hoàn toàn là bằng sức
lực khiêng, vác, gồng gánh đè lên đôi vai của những con người mộ đạo. Bao
xi-măng phải chia làm đôi, sắt cắt ra từng đoạn ngắn…để dễ luồn lách dưới vòm
cây đan kín tre gai. Đá có thể lấy tại chỗ nhưng cát xây với nhu cầu khối lượng
lớn làm sao mang vác từ dưới chân núi lên. Sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ cho bịt các
khe nước và chỉ chừa vài khe mạch lớn hơn, để sau một đêm là có được đống cát
hạt li ti lấp lánh mới thật lạ lùng. Theo lời đồn đại, đó là nhờ sự trì chú khấn
niệm của vị đại sư đã linh nghiệm mà có.
Tượng Phật nằm trên một bệ xây bằng
đá với màu sơn trắng như toát lên ánh hào quang lung linh giữa màu xanh cây lá
tĩnh lặng của núi rừng. Dưới chân tượng là bãi đá hoa cương lấp lánh dưới nắng
trời. Cây rừng cổ thụ của loài sao, sến, bằng lăng…vươn thẳng thân cao và tỏa
rợp bóng mát cả khu rừng. Đúng đây là cảnh “Song lâm thị tịch”, coi là niềm ước
ao của khách thập phương mong sao đến được một lần. Mùa hoa bằng lăng nhẹ nhàng
sắc tím như đang ru trong tiếng ve sầu râm ran cả góc núi phủ lạnh sương bay.
Bên cạnh chân tượng Phật là Hang Tổ với vòm đá hang sâu đầy bí ẩn được coi là
nơi Tổ sư Hữu Đức tu tịnh thuở ban đầu. Tượng “Phật Thích Ca nhập Niết bàn”,
không chỉ là biểu tượng sinh động có ý nghĩa tâm linh mà còn là một công trình
kiến trúc nghệ thuật rất đồ sộ giữa khung cảnh thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ.
Với thời gian trên nửa thế kỷ, tượng Phật nằm uy nghiêm, trầm mặc trở thành một
tác phẩm mỹ thuật để đời của nhà điêu khắc Trương Đình Ý và sức mạnh của bản thể
tâm linh con người.
PHAN CHÍNH