New Page 1

 “Hiến kế” để quản lý du lịch hiệu quả

BT- Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Nhân chuyến công tác tại Bình Thuận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Bình Thuận về những giải pháp thiết thực, quản lý phù hợp và hiệu quả mô hình KDLQG.

Ông Ngô Hoài Chung  -

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Chào ông, được biết chuyến công tác đến Bình Thuận, Tổng cục Du lịch có dẫn đoàn khảo sát du lịch Mũi Né - Bình Thuận. Ông chia sẻ về chuyến đi này? Việc quản lý mô hình KDLQG hiện nay ra sao?

Ông Ngô Hoài Chung: Luật Du lịch đã quy định các KDLQG sẽ do Chính phủ quy định về mô hình quản lý KDL. Hiện nay cả nước có  49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một cách quản lý khác nhau. Để thống nhất quản lý trên địa bàn cả nước cũng như có công tác quản lý tốt tài nguyên, quy hoạch, phát huy giá trị của KDL, các điểm để xây dựng thành các sản phẩm du lịch có giá trị. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam thì việc xây dựng mô hình quản lý KDLQG là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã nghiên cứu, đánh giá, khảo sát tìm hiểu về mô hình quản lý KDLQG ở các địa phương. Năm qua, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo về mô hình quản lý KDLQG tại Mũi Né. Khuôn khổ chương trình, chúng tôi đã tổ chức một đoàn công tác gồm 80 người là đại diện các sở VHTT&DL, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn của Bộ VHTT&DL và đặc biệt, có đại diện 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG để khảo sát, đánh giá tại KDL Mũi Né trên cơ sở đó có được thực tiễn, nhìn nhận mục sở thị riêng cho mình.

Đối với các KDLQG hiện nay đang thiếu điều gì trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường… Về phía Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ như thế nào đối với các đơn vị mới được công nhận KDLQG, cụ thể như Mũi Né?

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG và đến nay đã có 6 KDL được công nhận là KDLQG trong đó có Mũi Né. Vấn đề lớn nhất hiện nay của công tác quản lý đối với các KDL là tiến hành quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cho việc công nhận, tạo hành lang pháp lý thu hút đầu tư vào KDL nhằm sớm khai thác một cách mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng tài nguyên từ các địa điểm này. Mặt khác, cần có một mô hình quản lý KDL phù hợp, dựa vào đó bảo vệ, giữ gìn những tài nguyên hết sức độc đáo mà hiện nay các KDL đang lưu giữ. Qua đó, tiến hành tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, quản lý đầu tư, quy hoạch để vừa bảo vệ vừa khai thác một cách hiệu quả bền vững tài nguyên này. Hơn nữa, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cơ quan ban, ngành để đầu tư hạ tầng du lịch, tạo sự đồng bộ của các KDL; để phát triển du lịch không chỉ ngành VHTT&DL mà cần có sự đầu tư hạ tầng như đường, điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, đảm bảo môi trường, an toàn, an ninh trật tự… cho khách du lịch. Cần phải khẳng định những giá trị nổi trội và khác biệt của các KDL để chọn hướng đầu tư phù hợp và khai thác, tạo ra sức hấp dẫn cũng như là thương hiệu cho mỗi KDL nhằm thu hút khách đến. Vấn đề không kém quan trọng, đó là việc tăng cường công tác quản lý để đảm bảo an toàn cho khách du lịch chống tình trạng chặt chém, sự thiếu hấp dẫn, niềm tin của du khách khi đến các KDL này.

Đoàn khảo sát du lịch tại Mũi Né.

Đối với Mũi Né - Bình Thuận, Tổng cục Du lịch khẳng định rằng, Bình Thuận là tỉnh có tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt và có giá trị đặc biệt thu hút khách du lịch mà không địa phương nào có như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao, trải nghiệm khám phá, nhất là thể thao biển…

Với việc là 1 trong 6 KDLQG đầu tiên của cả nước, ông nhận định thế nào về việc phát triển của du lịch Bình Thuận trong thời gian gần đây?

Là địa phương có những lợi thế nổi trội và khác biệt như tôi đã nói trên, sở hữu vị trí địa lý hết sức thuận lợi, trong tương lai kết nối đường cao tốc Bắc – Nam, có sân bay Phan Thiết, chúng tôi nghĩ rằng đây là một trong những cú hích rất lớn để cho du lịch Bình Thuận phát triển.

Với tài nguyên như thế cùng với mô hình quản lý phù hợp, việc kết nối giao thông và thương hiệu du lịch Mũi Né - Bình Thuận đã được khẳng định, chúng tôi tin tưởng trong tương lai du lịch Bình Thuận có sự cất cánh và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực và sự phát triển của đất nước.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hồng Châu (thực hiện)

Cập nhật ngày 21-01-2021
Xem tin theo ngày