Bình  Thạnh - đẹp và quyến rũ

Bình  Thạnh - đẹp và quyến rũ

BT - Lần thứ hai tôi trở lại Bình Thạnh. Lần đầu là năm 1982, cách đây 35 năm. Hồi đó đường về Bình Thạnh còn là đường đất đỏ, có đoạn đầy cát, khó đi. Chiếc xe đạp mượn của cô thủ quỹ HTX cơ khí thị trấn Liên Hương nặng nhọc lăn 7 cây số đường và người cưỡi nó cũng đổ mồ hôi hột. Lần đi ấy, tôi viết được “Đổi thay ở Bình Thạnh” có chút văn chương, đậm tình đất tình người. Bài được phát trên Đài phát thanh, in trong một tập sách của địa phương sau đó. Từ đó đến nay tôi thường nghĩ về Bình Thạnh, như nghĩ về một địa phương ven biển, có một số di tích lịch sử, đa phần là đồi cát cùng với xương rồng gai, một thứ cây của vùng sa mạc hóa, mùa hè cho một loại quả đỏ, ăn vào vị chua ngọt như  thanh long ngày nay, là thứ trái của trẻ chăn bò khi qua đồi cát và vì lý do nào đó quên mang nước…

Lần thứ hai này tôi trở lại Bình Thạnh là ngày nắng cháy. Nhận ra rằng những đồi cát ngày nào đã xanh cây. Đường nhựa đã làm và chạy thẳng vào trung tâm xã. Gần như không còn nhà tranh như khi xưa tôi tới. Phần đông là nhà xây, và đều hướng mặt vào phía đồi thay vì ra biển nhằm giảm thiểu hơi nước mặn, bảo vệ đồ đạc. Ở trụ sở UBND xã, tôi được một anh phó chủ tịch trẻ, thân tình nói về hướng phát triển của Bình Thạnh, trong đó đặt nặng vấn đề phát triển du lịch. Những năm gần đây, du khách đến Bình Thạnh ngày một nhiều, trên 800 ngàn lượt mỗi năm. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay Bình Thạnh vẫn chưa thu hút được các dự án du lịch tầm cỡ. Những nhà đầu tư xuyên quốc gia vẫn chưa nhìn thấy Bình Thạnh…!?

Qua cuộc trò chuyện với anh Phó chủ tịch xã, tôi ghi nhận được nhiều điều, cũng như từ đó dậy lên câu hỏi: Du lịch Bình Thạnh có thể phát triển mạnh hơn không?

Lần thứ hai này, thay vì quay về Liên Hương để qua đêm, tôi quyết định  ngủ lại trong căn nhà ven biển. Biển Bình Thạnh về đêm lung linh ánh sao trời và ánh đèn của thuyền đánh cá như một thành phố nổi. Điều ấn tượng nhất là sáng mai ra, lúc mặt trời còn đỏ lừ trên biển thì bến cá Bình Thạnh đã tấp nập người mua, kẻ bán. Nghề cá của Bình Thạnh không có nhiều thuyền to, ngư dân đi biển chỉ trong vòng một đêm nên khi họ vào bờ, hải sản luôn tươi ngon. Một phần hải sản được chở đi Liên Hương, một phần giữ lại tiêu thụ tại xã, trong các quán ăn dọc theo đường biển đi Phan Thiết. Không thể không kể, chính buổi sáng mai ấy, tôi bất ngờ nhận ra vẻ đẹp toàn diện của Bình Thạnh khi nhìn từ đường ven biển ra mũi La Gàn. Một hình cánh cung được tạo nên bởi đồi cát và biển xanh. Trên dãi đồi cát ấy nếu giữ nguyên cảnh quan, trồng thêm cây xanh, thiết kế những  biệt thự nghỉ dưỡng, sân chơi trên đồi thì Bình Thạnh sẽ mang  vóc dáng rất riêng, quyến rũ, quyến rũ hơn cả Mũi Né hiện nay, vốn thiếu trật tự, thiếu mỹ quan trong xây dựng. Trước Bình Thạnh, tôi đã nặng lòng. Tôi nghĩ về Bình Thạnh như về quê hương mình, cũng như mong xã ven biển này ngày một giàu lên…

 Hà Thanh Tú

Cập nhật ngày 30-06-2017
Xem tin theo ngày