Phát triển sản phẩm du lịch Bình

Phát triển sản phẩm du lịch Bình Thuận: Có ưu tiên và đầu tư trọng điểm

BT - Dự kiến sắp tới, UBND tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Bình Thuận. Đây được xem là bước đi nhằm cụ thể hóa mục tiêu từng bước định vị hình ảnh du lịch biển Bình Thuận trở thành sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh, từ đó phát triển đồng bộ các dòng sản phẩm gắn với các địa phương, vùng miền.

Theo chiến lược phát triển của ngành, Bình Thuận tập trung xây dựng khu du lịch Mũi Né trở thành khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp. Bên cạnh đó còn huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư để từng bước đưa Phú Quý là điểm du lịch quốc gia, đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện hoàn chỉnh Phan Thiết xứng tầm một đô thị du lịch trong khu vực. Từ tiềm năng và điều kiện thực tế, vào những năm tới địa phương sẽ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển và thể thao biển có quy mô, chất lượng cao. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, ẩm thực. Ngoài ra còn quan tâm đầu tư phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp homestay (nghỉ tại nhà dân), du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch kết hợp điều dưỡng chữa bệnh…

Với định hướng phát triển đó thì du lịch Bình Thuận sẽ chia thành 4 vùng phù hợp các dòng sản phẩm mang tính đặc trưng, ưu tiên theo địa phương, vùng miền. Trong đó vùng 1 là cụm du lịch phía Đông Bắc của tỉnh trải dài từ huyện Tuy Phong đến phía Bắc huyện Bắc Bình với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển (Cổ Thạch - Bình Thạnh), du lịch sinh thái biển (lặn biển, tham quan khu bảo tồn Cù Lao Câu), điều dưỡng chữa bệnh (suối khoáng nóng Vĩnh Hảo), tài nguyên nhân văn (đình, chùa, đền tháp) và làng nghề (gốm gọ, dệt thổ cẩm, nghề làm nhạc cụ của người Chăm)… Đối với vùng 2 được xác định là trung tâm toàn vùng mang tầm quốc gia lẫn quốc tế có vị trí chạy dài từ phía Nam huyện Bắc Bình đến dải ven biển Hàm Thuận Nam và huyện đảo Phú Quý. Ở vùng này, TP. Phan Thiết đảm nhận vai trò trung tâm với các sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp, thể thao giải trí đẳng cấp (đua thuyền, lướt ván, dù kéo, golf…) và nhiều lễ hội đặc trưng (đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, Trung thu, Katê, Nghinh Ông). Một số khu vực còn lại thì tập trung khai thác tốt vùng đồi - hồ Bàu Trắng, vùng bờ biển dài đẹp từ Tiến Thành - Thuận Quý, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, suối nóng Bưng Thị, du lịch biển đảo Phú Quý.

Vùng 3 là cụm du lịch phía Tây Nam của Bình Thuận bao gồm thị xã La Gi, dải ven biển huyện Hàm Tân và khu vực ven hồ Sông Dinh với sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển - hồ - cảnh quan. Ở đó, thị xã La Gi gắn với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, tài nguyên nhân văn (di tích Dinh Thầy Thím), cảnh quan (bãi biển Cam Bình, Đồi Dương, hồ Sông Dinh, Núi Đất, đập Đá Dựng, Suối Tiên)… Còn vùng 4 là cụm du lịch phía Tây Bắc với một phần diện tích của huyện Hàm Thuận Bắc đến huyện Tánh Linh, Đức Linh có thế mạnh du lịch sinh thái rừng - thác - hồ, du lịch cộng đồng, thể thao mạo hiểm. Riêng ở huyện Hàm Thuận Bắc sẽ đầu tư phát triển du lịch sinh thái thác (Sương mù, 9 tầng), rừng (phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi), hồ (Hàm Thuận, Đa Mi), du lịch sinh thái nông nghiệp và các làng nghề truyền thống (bánh tráng Phú Long, mây tre Ku Kê, dệt thổ cẩm La Dạ, mộc dân dụng Hàm Thắng)…

Để phát triển sản phẩm du lịch theo hướng có ưu tiên và đầu tư trọng điểm, ngay từ giai đoạn 2017 - 2020 Bình Thuận tiếp tục phát huy thế mạnh sản phẩm nghỉ dưỡng biển và thương hiệu thể thao giải trí biển đặc trưng như: Festival Thuyền buồm quốc tế, Giải Lướt ván buồm Cúp thế giới PWA… Phấn đấu trong vài năm tới sẽ kêu gọi đầu tư, nâng cấp các điểm tham quan như Đồi cát bay, Tháp Pô Sah Inư, làng chài Hàm Tiến - Mũi Né, khu ẩm thực Hòn Rơm thành các điểm hút khách. Đồng thời khuyến khích dự án đầu tư vào các vùng có tiềm năng như tuyến Hòa Thắng - Hòa Phú (thuộc 2 huyện Bắc Bình và Tuy Phong), Tà Cú - suối nóng Bưng Thị (Hàm Thuận Nam), Thác Bà (Tánh Linh), Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) và huyện đảo Phú Quý. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Bình Thuận sẽ định vị toàn bộ hệ thống dòng sản phẩm du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái rừng - thác - hồ, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, sinh thái nông nghiệp. Qua đó từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch đảm bảo dịch vụ chất lượng cao với các tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp để đưa du lịch Bình Thuận phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Quốc Tín

Cập nhật ngày 02-11-2016
Xem tin theo ngày