Du lịch và Chỉ thị 14 - những vi
Du lịch và Chỉ thị 14 - những việc cần làm
BT- Mới đây, Chính phủ đã ban hành
Nghị quyết 92 (vào tháng 12/2014) về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du
lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, sau đó (tháng 7/2015) là Chỉ thị 14 về tăng
cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát
triển du lịch.
|
Du khách quốc tế dạo phố, mua sắm trên
tuyến du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. |
Đối với Chỉ thị 14, Chính phủ chỉ rõ
những mặt hạn chế, yếu kém của ngành du lịch cả nước nói chung, như việc thực
hiện quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều nơi chưa nghiêm. Bên cạnh đó chất lượng
dịch vụ còn nhiều hạn chế, môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chậm được cải
thiện, sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
và thiếu bền vững. Mặt khác, Chỉ thị 14 của Chính phủ cũng xác định nguyên nhân
và nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của các cấp ngành, chính quyền ở địa phương…
Tại Bình Thuận, ngay trong tháng 9
vừa qua UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ
tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu
kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Thông qua phổ biến và quán triệt cần đề cao
trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và UBND cấp huyện, xã trong việc phát triển du
lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp tích cực vào sự phát triển
kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Đồng thời tăng cường phối hợp các sở
ngành để chỉ đạo, quản lý nhằm tạo hiệu quả tích cực trong xây dựng môi trường
du lịch an toàn, thân thiện và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo vệ tốt
thương hiệu du lịch Bình Thuận.
Để đem lại kết quả như mong đợi, tại
địa bàn cơ sở sẽ thành lập Tổ kiểm tra liên ngành về môi trường du lịch, tiến
hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm giá cả, vệ sinh môi
trường… Còn ban quản lý các khu - điểm du lịch phải bố trí nhân viên hướng dẫn,
hỗ trợ du khách cũng như công khai số điện thoại và có trách nhiệm trực 24/24h
nhằm kịp thời tiếp nhận, giải quyết vấn đề liên quan. Đồng thời chủ tịch UBND
cấp huyện - thị - thành phố cần chỉ đạo UBND xã - phường - thị trấn phối hợp cơ
quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn khách
du lịch. Nếu để xảy ra trường hợp vi phạm về giá, vệ sinh môi trường, an toàn
thực phẩm, đeo bám gây phiền hà hoặc gây mất an toàn cho du khách thì phải chịu
trách nhiệm trực tiếp.
Có thể nói việc thực hiện Chỉ thị 14
đem lại bước chuyển mới đối với du lịch thì địa phương cũng huy động sự tham gia
tích cực của nhiều ngành liên quan. Như Sở Công Thương cần phối hợp tổ chức kiểm
tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách ở các chợ,
khu - điểm du lịch nếu phát hiện bán hàng không đủ số lượng, trọng lượng hay
hàng giả, hàng kém chất lượng… Sở Giao thông - Vận tải thì tăng cường quản lý
các đơn vị vận chuyển khách du lịch trên địa bàn, xử lý triệt để tình trạng taxi
hoặc phương tiện kinh doanh vận chuyển khách không phép, không đúng giấy phép,
không niêm yết giá và thu cước theo giá niêm yết. Trong khi đó, Sở VH, TT & DL
tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
về du lịch cộng đồng, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa cho người bán
hàng, nhân viên lái xe. Với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường
kiểm tra, xử lý và có giải pháp hỗ trợ để tránh tình trạng người lang thang ăn
xin xuất hiện trong các khu - điểm du lịch…
Du lịch Bình Thuận vừa kỷ niệm 20
năm chặng đường hình thành và phát triển (24/10/1995 - 24/10/2015), đồng thời
phấn đấu trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia. Song
trước hết, địa phương và toàn ngành sẽ nỗ lực để duy trì hình ảnh du lịch “An
toàn - Thân thiện - Chất lượng”, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách mỗi khi
nhắc đến thương hiệu Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận. Và những việc cần làm
cũng đã được UBND tỉnh định hướng thông qua nội dung yêu cầu thực hiện nghiêm
túc Chỉ thị 14 của Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung
khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.
Đ.QUỐC