Thêu chữ thập

Thêu chữ thập, từ nữ công đến nghệ thuật

BT- Mấy chục năm trước, cô giáo nữ công đã dạy thêu mũi chữ X (hay chữ thập, Cross stitch). Chỉ với hai mũi thêu ngắn nằm chéo lên nhau, vạt áo, miệng túi áo, góc khăn mouchoir, góc áo gối… sẽ được trang trí bằng những bông hoa, con thú, ngôi nhà…

Khách hàng đang chọn mua mẫu tranh thêu chữ thập.

Từ quan cách…

Từ xa xưa, nhiều vật dụng từ bình dân đến vương giả đều có bóng dáng của các mũi thêu chữ thập như hoàng bào của vua chúa, tranh treo trong các kiến trúc tôn giáo, áo của các kỹ nữ, khăn choàng của một dân tộc, khăn lót ly tách hoặc bình hoa, các tác phẩm trưng bày trong các sảnh, gian long trọng dành để tiếp khách quý, trong bảo tàng… của nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, thêu chữ thập được tìm thấy trên váy áo của các thiếu nữ H’mông nhiều năm qua.

Khoảng năm 2005 trở lại đây, phong trào thêu và chơi tranh thêu chữ thập trở lại và phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Ở Phan Thiết, các cửa hiệu chuyên doanh loại tranh thêu này cũng mọc lên ngày càng nhiều.

 …đến đời thường

Thêu chữ thập là một hình thức thêu đơn giản nếu so với thêu truyền thống, các bạn nam khéo tay một chút cũng có thể làm được, bình thường học chừng 10 - 15 phút đã thao tác rành rẽ, nhưng phải là người đam mê, tinh tế thì mới có thể cho ra đời những tác phẩm đẹp.

Trò chuyện với chủ cửa hàng bán tranh thêu chữ thập Hải Linh trên đường Trần Hưng Đạo, chị cho biết, tùy kích thước và bố cục, độ chi tiết của tranh mà mỗi mẫu có giá từ 40 - 50 ngàn đồng hoặc vài trăm ngàn đồng. Sau khi thêu xong, đem tranh quay lại nơi bán nhờ đóng khung, mất từ một đến vài trăm ngàn đồng nữa, một tác phẩm nghệ thuật thực sự hoàn thiện.

Dưới đôi bàn tay mềm mại như vờn múa trên khung vải, những mũi chữ thập riêng lẻ, đơn giản, nhiều màu sắc tập hợp lại thành một tuyệt tác thể hiện những nét tính cách đáng quý của người phụ nữ Việt Nam như sự tỉ mỉ, khéo léo, chịu thương chịu khó cũng như gửi gắm những ước mơ, tình cảm của người thợ, nghệ nhân…Trên khung vải, cuộc sống thường nhật hiện ra nhẹ nhàng mà tinh tế, mộc mạc mà có hồn với đồng lúa ngày mùa, mục đồng thổi sáo, thả diều, cánh buồm trên biển, mây giăng đỉnh núi, mái tranh chiều… Nhiều đề tài bao quát hơn như tình bạn, tình yêu, thiên nhiên…cũng nên thơ trong tranh. Chân dung lãnh tụ, các danh thắng, di tích, các danh tác hội họa của nước ngoài… cũng là một nhu cầu của khách hàng luôn được các thợ thêu đáp ứng. Nhiều bức tranh được thêu rất khéo, thưởng thức được cả 2 mặt, không thể phát hiện đâu là mặt phải, đâu là mặt trái. Lại có cả tranh 3D, 5D…Theo đó giá cả cũng dao động từ khoảng trên dưới 1 triệu đồng đến 5-10 triệu đồng một sản phẩm.

 Nối dài tứ đức

Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tranh thêu ngày một tăng cao cộng với công nghệ thông tin đã giúp loại hình này không ngừng phát triển và sáng tạo về kỹ thuật, thẩm mỹ. Không ai khác, chính những người phụ nữ đã góp công lớn trong việc lưu lại những nét văn hóa đặc sắc, gần gũi nhưng không lẫn vào đâu được thông qua việc gìn giữ và trau dồi tứ đức công, dung, ngôn, hạnh.

 Mai Kim Dung

Cập nhật ngày 08-10-2015
Xem tin theo ngày