Giữ vững

Giữ vững, phát triển “thương hiệu khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết”

BT- Do chuyên đề khá dài không thể đăng  hết trong một số báo, Bình Thuận cuối tuần trích 3 phần quan trọng (I, II và IV) trong chuyên đề  để bạn đọc tham khảo.

Bình Thuận tổ chức thành công Hoa hậu Đại Dương 2014. Ảnh: Đình Hòa
Đồi cát Mũi Né. Ảnh: Đ.Hòa

I. Sự cần thiết

Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, vùng duyên hải Nam Trung bộ, trong đó, Bình Thuận được xác định sản phẩm du lịch chính là du lịch biển, đảo. Khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết được xác định là khu du lịch quốc gia, Phú Quý là điểm du lịch quốc gia và Phan Thiết là đô thị du lịch dựa trên sản phẩm chủ đạo là du lịch biển. Đồng thời, Bình Thuận đã được Bộ Chính trị định hướng hình thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm của quốc gia.

Do vậy, việc đánh giá đúng thực trạng và đề xuất hệ thống giải pháp giữ vững thương hiệu Khu du lịch Mũi Né, thành phố Phan Thiết là hết sức cần thiết.

II. Thực trạng phát triển du lịch Hàm Tiến - Mũi Né

1.  Xây dựng điểm đến và phát triển du lịch Hàm Tiến - Mũi Né

1.1.  Quy hoạch du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

- Tính đến hiện nay, khu vực Hàm Tiến-Mũi Né có 134 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực. Các dự án đầu tư trên địa bàn chủ yếu là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch kết hợp chơi golf, lướt ván diều, lướt ván buồm và chăm sóc sức khỏe (Spa). 85 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh chiếm 63%, 12 dự án đang xây dựng, 37 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư.

- Nhằm định hướng phát triển Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né thành khu du lịch cao cấp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1386/KH-UBND ngày 27/3/2008 về nâng cao chất lượng Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.

1.2. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch

Đã xây dựng tuyến đường 706B, lắp đặt hệ thống biển báo, gờ giảm tốc trên trục đường chính Nguyễn Đình Chiểu; xây dựng công viên, bãi tắm công cộng ở khu vực Đá Ông Địa; nâng cấp chợ, Trạm y tế Hàm Tiến đủ điều kiện phục vụ du khách.

Các ngân hàng thương mại đã đầu tư lắp đặt ở địa bàn các máy ATM nằm rải rác ở các resort và 1 phòng giao dịch thu đổi ngoại tệ; các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư xây dựng 40 trạm thu phát sóng di động (BTS), 16 trạm cung cấp dịch vụ 3G, 3 trạm DSLAM cung cấp dịch vụ internet băng rộng và 2 hệ thống truyền dẫn cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phục vụ du lịch.

1.3. Đầu tư kinh doanh, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch

Đến nay khu vực Hàm Tiến - Mũi Né có 152 cơ sở lưu trú du lịch với 6.126 phòng đang hoạt động, chiếm 55,8% tổng số cơ sở lưu trú và 59,2% số buồng phòng toàn tỉnh (Hàm Tiến 121 cơ sở, Mũi Né 18 cơ sở, Long Sơn – Suối Nước 13 cơ sở). Trong đó: hạng 5 sao có 2 cơ sở, 4 sao 14 cơ sở, 3 sao 10 cơ sở, 2 sao 16 cơ sở, 1 sao 13 cơ sở, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch 29 cơ sở.

Có 27 đơn vị đang hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn. Trong đó có 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 18 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 8 chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty lữ hành trong nước. 

Có 132 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, hàng lưu niệm cho khách du lịch; 106 cơ sở kinh doanh ăn uống; 16 đơn vị kinh doanh dịch vụ thể thao biển, lướt ván buồm, lướt ván diều, mô tô nước.

1.4. Đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ du khách

1 - Bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khách sạn, nhà nghỉ; bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch; tập huấn cứu hộ, cứu đuối; tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho resort, khách sạn, nhà hàng khu vực Hàm Tiến - Mũi Né.

- Đã triển khai việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho các cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống theo quy định nhằm khuyến khích các loại hình kinh doanh dịch vụ bổ trợ nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

2. Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né

... Cùng với nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến, công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch Mũi Né luôn được chú trọng. Hình thức tổ chức ngày càng đa dạng và có sự lựa chọn theo hướng hiệu quả thông qua hoạt động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông; xây dựng và phát hành ấn phẩm quảng bá; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước; đón tiếp các đoàn Famtrip quốc tế đến khảo sát sản phẩm tại Hàm Tiến - Mũi Né; ký kết và triển khai Chương trình liên kết, hợp tác về du lịch giữa Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình phát triển tam giác du lịch giữa Bình Thuận - thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng… đã góp phần mở rộng, nâng cao được hình ảnh điểm đến của du lịch Mũi Né - Phan Thiết đến các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các giải lướt ván diều, lướt ván buồm quốc tế hàng năm với sự tham gia của các vận động viên chuyên nghiệp thuộc nhiều quốc gia trên thế giới đến với Mũi Né - Bình Thuận; các sự kiện có quy mô quốc tế được tổ chức tại Hàm Tiến - Mũi Né như: Hoa hậu Trái Đất, Giải lướt ván buồm Cup thế giới PWA, Festival thuyền buồm quốc tế, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế, mới đây tổ chức thành công Hoa hậu Đại Dương 2014… đã đưa hình ảnh du lịch biển Mũi Né - Phan Thiết ngày càng đi xa hơn, với những nét mới, hấp dẫn hơn.

Mũi Né - Phan Thiết đã tạo dấu ấn trong lòng du khách với hình ảnh “Biển xanh – cát trắng – nắng vàng”. Thương hiệu du lịch biển Mũi Né Bình Thuận đã được khẳng định và ngày càng vươn xa đến các nơi trên thế giới. Có thể nói khi nhắc đến du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển là du khách đã nghĩ ngay đến Mũi Né - Bình Thuận, Việt Nam.

3.  Hoạt động du lịch ở Hàm Tiến - Mũi Né

3.1. Về khách du lịch

Trong những năm qua, du lịch của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch tăng trưởng khá ổn định, từ năm 2005 đến nay tăng bình quân 13,82%. Năm 2013 toàn tỉnh đón khoảng 3.525.000 lượt khách, tăng 12,1% so với năm 2012; trong đó khách quốc tế khoảng 380.000 lượt khách, tăng 10,7% so với năm 2012. Riêng lượng khách du lịch tại Hàm Tiến - Mũi Né chiếm 67,7% tổng lượng khách đến Bình Thuận; riêng khách quốc tế chiếm 92%.

Thị trường khách quốc tế đến Hàm Tiến - Mũi Né trong thời gian gần đây chủ yếu là Nga, tiếp đến là Đức, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Úc, Hà Lan, Anh, Thụy Sỹ … Thời gian lưu trú từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau do là mùa đông ở các nước châu Âu nên lượng khách quốc tế đi du lịch kết hợp nghỉ đông tăng cao. Đây là mùa cao điểm của khách quốc tế đến tỉnh Bình Thuận.

Khách du lịch nội địa đến nghỉ dưỡng ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né chủ yếu là khách du lịch có thu nhập cao. Thị trường khách nội địa là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Hà Nội, các tỉnh miền Tây...; tập trung vào dịp hè,  lễ, tết, những ngày cuối tuần hoặc khách đi công tác kết hợp với tham quan, nghỉ dưỡng.

Nhìn chung khách du lịch đến Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né khá ổn định; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tại Hàm Tiến - Mũi Né là khá cao và khách quay lại nhiều lần hơn so với các địa bàn du lịch khác ở tỉnh...

IV. Hệ thống giải pháp giữ vững thương hiệu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né trong thời gian đến

1. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; kiểm soát tốt việc đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ.

- Triển khai và thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch đối với các quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm phường Mũi Né, quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Long Sơn - Suối Nước, quy hoạch phân khu khu vực Hàm Tiến, quy hoạch chi tiết xây dựng phường Phú Hài; quy định quản lý các vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn Bình Thuận đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Xúc tiến Đề án xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia.

- Sớm xúc tiến quy hoạch chi tiết khu trung tâm dịch vụ du lịch tại phường Hàm Tiến (từ Kim Ngân đến Nhân Hòa).

- Triển khai rà soát việc đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn, xử lý kiên quyết các trường hợp đầu tư không đúng quy định, sai quy hoạch.

2. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch

 Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện về kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, bao gồm:

- Sân bay Phan Thiết tại Thiện Nghiệp; đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; hoàn thành các dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 55, tuyến Lương Sơn - Đại Ninh.

- Lập dự án đầu tư và triển khai xây dựng các tuyến đường nhánh nối ĐT 706B - ĐT706 theo quy hoạch; xây dựng vỉa hè phía Tây đường Nguyễn Đình Chiểu, các tuyến đường xuống biển khu vực Hàm Tiến phục vụ nhu cầu dân cư và khách du lịch. Rà soát, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông (hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông, gờ giảm tốc, vạch băng đường cho người đi bộ…).

- Các công trình: đê kè bảo vệ xói lở bờ biển Hàm Tiến, khu neo đậu tàu thuyền Mũi Né; các trạm cứu hộ ở các bãi tắm ven biển Hàm Tiến - Mũi Né.

- Xây dựng hệ thống thoát nước chung, hệ thống thu gom xử lý nước thải khu vực Hàm Tiến; các nhà vệ sinh công cộng ở các điểm tham quan trên địa bàn.

- Xây dựng chợ ẩm thực Hòn Rơm - Mũi Né, giải quyết nạn hàng rong trên bãi biển Hòn Rơm; khu trung tâm dịch vụ du lịch tại Hàm Tiến (bờ kè).

- Xây dựng các trạm thông tin hỗ trợ du khách gắn với kiốt thông tin ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, Phan Thiết.

3. Tăng cường quản lý, đảm bảo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Hàm Tiến - Mũi Né an toàn, thân thiện, chất lượng.

- Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 29/CT-UBND của UBND tỉnh về bảo đảm môi trường du lịch và Kế hoạch 5138/KH-UBND thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; kiểm soát việc thực hiện các quy định nhà nước, nhất là quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa cung cấp cho du khách và xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né của Bình Thuận.

- Tiếp tục tổ chức kiểm tra, xử lý kiên quyết các vấn đề về đất đai, lấn chiếm trái phép, xây dựng trái phép, vi phạm chỉ giới xây dựng ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né; hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch bất hợp pháp, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, quảng cáo không đúng quy định trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn.

- Tăng cường quản lý, đảm bảo các mặt an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở các điểm tham quan, du lịch như: Đồi Cát Bay, Suối Tiên, Hòn Rơm… Tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông; kiểm tra, kiểm soát tốt hoạt động bẫy bắt tôm hùm con, dịch vụ mô tô nước, cho du khách thuê các phương tiện tự lái tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn du khách…

4. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch. 

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều hình thức phù hợp, nâng cao trình độ tay nghề, phong cách phục vụ chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên phục vụ ở các CSLT, nhà hàng phục vụ khách du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm tham quan du lịch.

- Tích cực triển khai cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho các cơ sở mua sắm, ăn uống trên địa bàn, thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ hỗ trợ du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu phục vụ nhu cầu của khách du lịch nhất là khách quốc tế.

5. Tăng cường hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng hiệu quả.

- Tiếp tục phát triển và định vị ngày càng vững chắc hơn thương hiệu du lịch Mũi Né - Phan Thiết ở các thị trường du lịch quốc tế và trong nước; có cơ chế quản lý, giữ uy tín, chất lượng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu Mũi Né - Phan Thiết.

- Tham gia các chương trình, sự kiện du lịch lớn ở nước ngoài; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia và quốc tế ở tỉnh để truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch Mũi Né - Phan Thiết.

- Khai thác văn hóa ẩm thực địa phương gắn với những đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận như: mực một nắng, bánh hỏi, bánh xèo, gỏi cá mai, dông, thanh long… tạo ra nhiều món ăn độc đáo và khác biệt. Xây dựng các tour hướng dẫn nghệ thuật chế biến món ăn đậm nét văn hóa truyền thống, tạo sự mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

- Nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quảng bá thương hiệu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; duy trì và tăng cường quảng bá thương hiệu Mũi Né-Phan Thiết trên các trang web du lịch: muinetourism.vn (tiếng Anh) và dulichbinhthuan.com.vn (tiếng Việt)...

Chủ tịch đã ký

Lê Tiến Phương

Cập nhật ngày 11-09-2015
Xem tin theo ngày