Sổ tay

Sổ tay: “Cảnh sát giao thông... cũng làm du lịch”

BT- Câu nói lấy làm  tựa cho bài viết này là của một người dân nhận xét về cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng trong bài “Chuyện lạ” về cảnh sát giao thông Đà Nẵng”, đăng trên Vietnamnet ngày 3/8/2015. Trong bài viết này còn có nêu ý kiến của Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng: “Phát hiện khách du lịch hay người ở các tỉnh, thành đến Đà Nẵng nếu vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, không đúng làn đường... thì CSGT thực hiện dừng xe, giải thích lỗi vi phạm cho người dân, cho lái xe hiểu. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ xử lý nghiêm”. Chỉ cần đọc nhiêu đó, người đọc (dĩ nhiên có cả du khách) sẽ ấn tượng tốt đẹp với CSGT Đà Nẵng bởi họ không áp dụng  luật một cách quá cứng nhắc. CSGT hướng đến việc làm thế nào để người dân hiểu và chấp hành luật một cách tự  giác.  Tôi  từng nghe một nông dân ở  huyện miền núi Quảng Nam kể lại lần đầu tiên ra Đà Nẵng đã chạy vào đường một chiều và gặp ngay anh CSGT. Sau khi ra hiệu dừng xe, nghe người phạm luật giải thích, anh chiến sĩ nọ nhẹ nhàng hướng dẫn người nông dân cách đi đến nơi cần đến.

Bình Thuận cũng  là tỉnh du lịch. Hàng ngày không biết bao nhiêu du khách đi qua hoặc dừng lại. Trong số ấy có không ít người sử dụng phương tiện cá nhân và không ai có thể khẳng định: Tất cả đều không sơ suất, không mắc lỗi khi lái xe trên đường, khi dừng xe ở nơi nào đó chưa có bảng cho phép đậu. Trong trường hợp ấy, nếu CSGT  xuất hiện, nhẹ nhàng hướng dẫn, giải thích; chỉ khi họ không chấp hành, hoặc qua  nhật ký công tác mang theo bên mình phát hiện chủ xe tái phạm nhiều lần để xử lý nghiêm… thì hình ảnh  CSGT Bình Thuận chắc chắn sẽ đẹp lên, đi vào lòng du khách và người trong tỉnh. Cách đây vài năm, một lần tôi ngã xe tại ngã tư đường Thủ Khoa Huân - Trần Hưng Đạo. Xe đè lên chân,  đau đớn và bỏng rát, chưa thể nào rút chân ra để dựng xe lên được. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng còi huýt lên, cách tôi không bao xa, cùng với mệnh lệnh: “Dựng xe lên!”. Lúc đó tôi ao ước: “Giá gì mình được giúp đỡ để rút chân ra khỏi xe!”. Những năm sau này đi lại trong thành phố Phan Thiết, may sao những  câu  mệnh lệnh kiểu ấy ít nghe thấy và thay vào đó tôi thấy CSGT trở nên đẹp hơn khi có nữ CSGT làm nhiệm vụ trên đường.  Mặc dù mặc sắc phục, tập trung vào việc điều khiển và hướng dẫn giao thông nhưng ở  các cô vẫn  đầy tràn nữ tính. Nhìn họ, những chàng trai có chút ngổ ngáo  cũng trở nên hiền  lành và rất trật tự khi lái xe trên đường; những người hay phóng nhanh vượt ẩu cũng trở nên chầm chậm khi đi qua  ngã ba, ngã tư… Giao thông nhờ thế được điều hòa, giảm ùn tắc. Thế mới biết sức mạnh của cái đẹp. Cái đẹp cứu rỗi thế giới là thế!

Nếu  cần nói thêm, tôi vẫn ao ước vì mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh nhà, CSGT Bình Thuận nên sẵn sàng cho những lời khuyên, lời hướng dẫn du khách, những người đi đường vì lý do nào đó vi phạm các lỗi nhỏ, trừ khi   tái phạm... Việc làm ấy hẳn tốt hơn khi ai đó chăm chăm mở cuốn biên lai… nộp phạt bởi mục đích tối thượng của luật chính là điều chỉnh và giáo dục. Luật  coi việc xử phạt, thi hành hình phạt chỉ là biện pháp bất dắc dĩ, khi thật cần thiết.

Hà Hoàng Hạc

Cập nhật ngày 07-08-2015
Xem tin theo ngày