Đá cảnh

Đá cảnh, vô ngôn nhưng hữu tình

BT- Mỗi khi có ý định viết gì đó về đề tài này là tôi lại nhớ đến câu chuyện viên đá cảnh ở Hàm Tân. Hôm ấy, đoàn sưu tầm đá cảnh Lâm Đồng lặn lội mấy ngày dọc nhiều sông suối thuộc huyện Hàm Tân nhưng không ai tìm được gì, nghề tầm đá đi cả chuyến mà không “gặp” cứ như người bị mất điện, tiu nghỉu cả nhóm. Trong lúc ngồi nghỉ bên bờ suối, nghệ nhân Đoàn Giàu búng cái tàn thuốc bâng quơ, tàn thuốc chưa rơi xuống nước, anh sợ cháy rừng nên bước theo định lượm lại dụi cho tắt, không ngờ ngay cái tàn thuốc ấy là một viên đá tạo nên tên tuổi một đời mê đá cảnh của mình, tác phẩm “Chân dung Hồ Chí Minh”, (thiên nhiên đã khắc chân dung Bác vào một viên đá đen tròn đầy, thật đẹp). Đó là một trong số rất ít tác phẩm đá cảnh được trả giá lên tới 1,5 tỷ đồng. Mọi người cứ trầm trồ: “Viên đá này sinh ra, nằm đó, là để gặp Đoàn Giàu”. Tôi nghĩ: Duyên! Và tôi cũng nghĩ nhiều khía cạnh khác quanh những viên đá cảnh vô ngôn nhưng rất hữu tình.

Những tác phẩm đá.

 Tình nghệ sĩ

Và cũng chưa thật “Duyên”, nên sau khi nổi tiếng, viên đá bị người ta tổ chức đánh cắp, công an đã vào cuộc nhưng rồi viên đá quý ấy vẫn bặt tin cho tới giờ này. Nghệ nhân Đoàn Giàu sau vụ bị mất viên đá quý trở nên bẳn tính, anh nghi ngờ tất cả những người đến tham quan đá cảnh của mình. Nhưng ngay sau cái nhìn dò xét ban đầu, cứ ai bình phẩm đúng ý, ai khen tác phẩm này, tác phẩm kia là lập tức anh quên mất, lại say sưa, lại nhập đồng, lại rót trà ngon mời mọc. Đó là cái tình nghệ sĩ, những mất mát ấy có đáng gì cái trao tình, cái sẻ chia đồng điệu đang có.

Một trường hợp duyên với đá khác là cụ Phạm Quang Pháp, người mê đá cảnh ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Ánh mắt ông hấp háy, sáng rực lên, cái lưng xem chừng thẳng thớm trở lại mỗi khi có khách đến xem đá của ông. Và ông nói về đá, nói không dừng, nói về thú đam mê của mình như một lẽ sống: “Năm 1983, tôi về nghỉ hưu mới bắt đầu chơi đá. Thoạt đầu, tôi đi chân trần trên đá chỉ là vì theo phương pháp dưỡng sinh, đá sẽ làm thông các huyệt mạch từ bàn chân rồi thông lên cả cơ thể, khiến ăn ngon, ngủ yên. Sau, những viên đá trên bãi đá Cá Dương ấy ngày ngày đập vào mắt tôi, nó tạo cho tôi niềm hứng khởi sưu tầm, ngắm nghía, gọi tên… Mới đầu hứng đâu làm đó, thấy viên đá đẹp gợi lên điều gì thì nhặt về, sau này có ý thức rồi mới tìm đá cho hợp. Tôi dựa trên màu sắc mà phân được 24 loại, đem về chứa 24 ô trong sân. Chơi đá rồi ham mê, nửa đêm cũng xách đèn ra soi, xoay trở, ngắm nghía, tìm ý tưởng trên từng vân đá… Tiến đến bước thứ hai, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu về đá cảnh và từ đó đá cảnh với tôi là cuộc sống, tôi tìm thấy trong đá sự hữu tình lý thú, trà sáng với đá, ăn trưa với đá, tối chiều săm soi, trò chuyện cùng đá…”.  Giờ đây, bốn bức tường phòng khách của cụ Phạm Quang Pháp đầy những bài thơ được ghép đá, được đóng khung công phu và cả căn phòng đầy đá cảnh, ra ngõ gặp đá, vào phòng khách ngồi lọt thỏm trong không gian đá, ngay cả dưới gầm giường cũng đá nằm lăn lóc… Thế giới đá của cụ Pháp là quà tặng kỳ thú cho những người tình cờ lạc chân đến bãi bờ Cổ Thạch heo hút này và tất nhiên trước hết nó đem lại hạnh phúc vô bờ bến cho tâm hồn cụ Pháp, một nghệ nhân nặng lòng với thú ngoạn thạch của mình.

Chúng tôi đến một vùng đất cực Nam tỉnh nhà, theo người dẫn đường thì hình như vẫn còn thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân và cả các xã đầu Đồng Nai, ở đây, có thể nói là nhà nhà chơi đá, người người chơi đá. Vườn đá. Bàn nghế đá (tự nhiên). Tủ trưng đá. Bệ đỡ đá. Tác phẩm đá đơn lẻ. Tác phẩm đá cụm. Đá ngổn ngang khắp các vườn, có viên được chủ vườn ưu ái dựng riêng, có viên rất đẹp nhưng vẫn còn nằm chồng đống, chồng khối lên nhau hay xếp dọc hàng rào. Một người chơi đá lâu năm ở đây cho hay: Đầu tiên, tôi và vài ba anh em tìm đá về bán cho người ta làm non bộ, thấy có tiền mấy người trong làng bắt chước theo. Các nghệ nhân ở Sài Gòn, Đồng Nai ra đặt hàng đã tạo nên phong trào tìm đá rầm rộ như hiện nay, tuy nhiên cũng không mấy người chơi và bán được đá cảnh cao cấp, tức là bán được cái gọi là tác phẩm đá. Phía trên kia, anh D. mới bán được viên đá đen “Ruộng bậc thang” 50 triệu đồng là cao giá nhất xưa nay, còn đá làm non bộ, đá khối trang trí chỉ 2 triệu đồng, 3 triệu đồng một khối, tàm tạm lấy lại công cõng đá, đào đá, chủ yếu là thỏa mãn cái ham mê của mình. “Hy vọng trúng quả, lâu nay cũng chỉ là hy vọng thôi ông ạ, đâu có dễ”, một người dong dỏng cao có khuôn mặt đen nhẻm tích ứ nắng gió và những gian khổ trong người nói với chúng tôi như thế.

Những bài thơ ghép đá.

 Thú tiêu nhàn, tự tại

Những người chơi đá cảnh theo phái tự nhiên (Suiseki) đều nằm lòng lời dạy của cổ nhân: “Sơn vô thạch bất kỳ, thủy vô thạch bất thanh, lộ vô thạch bất hoa, viên vô thạch bất tú, thất vô thạch bất nhã, nhân vô thạch bất an” (Núi không có đá không kỳ vĩ, nước không có đá không phát ra âm thanh, đường không có đá không chắc chắn, vườn không có đá không là vườn đẹp, nhà không có đá không sang, người không chơi đá thiếu sự bình an).

Quả nhiên là như vậy, nếu ta tuân thủ đúng nguyên tắc cơ bản là không tác động, giữ nguyên trạng sự tạo tác, tích tụ linh khí của những viên đá như rơi từ trời xuống ấy, thêm một chút duyên nữa thôi, ta sẽ có cơ hội chạm được một thứ diệu dược, thứ diệu dược này từng ngày từng ngày dắt ta về tánh bản nhiên tự tại, giúp ta có cái nhìn phác thực về đời sống, về vũ trụ quanh mình. Vô ngôn nhưng ẩn tình là còn ở chỗ ấy.

Tôi có người bạn, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, hàng ngày đi làm, cứ thấy một viên đá bên vệ đường là anh dừng xe ngay, dù mưa dù nắng, anh bước đến viên đá và bắt đầu ngắm nghía, xoay xoay, lật lật, vừa ý thì khệ nệ bê lên xe, ràng rịt cẩn trọng, không để trầy xước dù một vết nhỏ. Trong khu vườn “Chuồng Kim” của anh, những viên đá Hoàng lạp, Huyền vũ, Kim qua, Vân thạch… được tạo đế, trình bày trang trọng, anh thường xuyên tưới tắm, lau chùi, phơi nắng, hứng sương cho chúng, anh gọi chúng là những “sinh thạch”, những viên đá có hồn.

Nghệ nhân Châu Chí Hùng, người suốt cuộc đời dành cho thú đam mê đá cảnh nói một câu ngắn gọn nhưng mãi ấn tượng với tôi: “Thú chơi đá ư? Đó là sự giao thoa giữa con người với linh khí trời đất”. Đúng vậy, ẩn chứa trong đá là những nguồn năng lượng, nếu có kiến thức nhất định về cảm xạ, nhân điện và phong thủy người chơi sẽ phát huy tối đa sự tác động của đá, nhất là thạch anh và các loại đá phát từ trường cao. Ngoài sự đánh thức cảm quan về cái đẹp, đem lại những rung động trong lúc quan sát, suy tư, sự giao thoa mà ông Hùng muốn nhấn mạnh là như vậy.

Nghệ nhân Lê Vy, người đã trèo đèo lội suối gần khắp dải đất miền Trung để sưu tầm đá cảnh, là chủ nhân của hàng trăm tác phẩm đá cảnh giá trị, tâm sự: “Thoạt đầu, tưởng đến với một thú chơi vui thôi nhưng rồi bị sức quyến rũ của đá từ lúc nào không hay, niềm đam mê cứ lớn dần, lớn dần, làm như mình đã đi vào vùng xoáy của mê hoặc, vùng xoáy của thế giới cái đẹp vậy”.

Họa sĩ, nghệ nhân Quang Lộc sinh năm 1928, trên chiến khu có thời gian ông phụ trách Báo Bình Thuận giải phóng, là người sáng lập Công ty Dịch vụ văn hóa Kim Nguyên, ông là người mê đá đến mất ăn mất ngủ, ông cho rằng cái duyên đến với đá như là trời định: “Năm 1969, trên đường đi dự Đại hội các dân tộc huyện Phan Lý, tôi tình cờ đưa mắt thấy viên đá kỳ lạ, nó liên tục phát những tia xanh, đỏ, tím, vàng. Tôi dừng lại, đặt viên đá vào ba lô, mang đi một đỗi thấy nặng, nhắm chừng không mang nổi tôi đem giấu vào một bọng cây, định về lại sẽ lấy. Nhưng khi về tìm lại bọng cây thì không thấy nữa. Không ngờ một đỗi sau, tôi lại gặp chính viên đá phát sáng ấy nhưng được giấu ở một bọng cây khác. Chắc là có ai đó cũng giống mình, cũng thích viên đá này! Duyên tiền định là vậy đó, mình theo đuổi đam mê đá mãi đến giờ”.

Nói đến đá cảnh thì vô cùng vô tận nhưng có một điều chung nhất mà người viết bài này cảm nhận được là hầu hết những người đến với đá cảnh, gắn bó với đá cảnh, đến với thú tiêu nhàn thanh sạch, đến với đối tượng vô ngôn nhưng hữu tình này đều là những người có tính cách điềm tĩnh, đầu óc sáng suốt và có một lối sống an nhiên tự tại.

Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây nguyên và dải đất miền Trung chứa nhiều loại đá thanh tú, đáp ứng về độ cứng, về màu sắc nhuần nhụy, về hình tượng phong phú, về âm thanh phát ra thanh mảnh, trong trẻo, đủ tiêu chuẩn để dân ngoạn thạch mê đắm nhưng thật sự việc chơi đá cảnh ở tỉnh nhà chưa tạo được những trào lưu mạnh mẽ và đẳng cấp như các tỉnh thành lân cận. Âu cũng là duyên chưa đến vậy.

Ký: Nguyễn Tân Hải

Cập nhật ngày 27-03-2015
Xem tin theo ngày