Lãng mạn pattern
Lãng mạn pattern
BT- Có phải em
mang trên áo bay
Hai phần gió
thổi, một phần mây
Hay là em gói
mây trong áo
Rồi thở cho làn
áo trắng bay?
(Tương tư -
Nguyên Sa)
Không gì đẹp bằng, lãng mạn bằng
những tà áo dài trắng nữ sinh tha thướt trong những tinh mơ thơ mộng dịu dàng,
trong những lưng chiều nắng ngọc vàng ươm… Có người thương mến gọi họ là bầy
bướm trắng, gọi không gian sân trường là thiên đường của tuổi mộng mơ.
Không gì đẹp bằng, lãng mạn bằng đôi
mắt trong veo của thiếu nữ độ xuân xanh, độ vừa biết đến nỗi buồn không tên,
niềm vui khó nói. Có người yêu quý gọi đó là nước hồ thu, là đêm huyền diệu.
Không gì đẹp bằng, lãng mạn bằng nỗi
e ấp, thẹn thùng của người con gái khi chạm đến cái ngưỡng cửa của những rung
động đầu đời, cái ngưỡng cửa của hoa mơ, của sự tưởng tượng bay lên, của dạt dào
gió, của thơm nồng mưa, của cõi không gợn chút mây đen, không vết chàm vẩn đục.
Có người trân trọng gọi họ là hoa hàm tiếu, là tiên nữ giáng trần…
Không biết cơ man nào là thơ văn,
nhạc, họa, phim ảnh đã, đang có những cảm tác tôn vinh, ngợi ca đường cong,
đường lượn, vóc dáng, sắc da tuyệt mỹ hay cái duyên trời cho toát ra từ hương
quyến rũ, từ sức hút không cưỡng được của sự trong sáng, ngây thơ, đến làm ngơ
ngác, mê mẩn bao nhiêu tâm hồn người khác phái.
Bao nhiêu đời nay, phương tiện sống
liên tiếp thay đổi, đổi thay, nhưng cái nội dung, cái hồn của sự lãng mạn vẫn
không thay đổi, nó vẫn là nét đẹp hài hòa cả hình thức bên ngoài lẫn tâm hồn
trong sáng bên trong nơi những nữ sinh, thiếu nữ, nơi những “đám xuân xanh” như
nhà thơ Hàn Mạc Tử đã từng trân quý gọi như thế. Nhưng xem chừng ngày nay sự
lãng mạn đã thay đổi thật rồi, không còn vẹn nguyên hồn vía như xưa đã đành, nó
còn thô thiển tạo ra một thứ thay thế khác, na ná lãng mạn, “lãng mạn pattern”.
|
Hình ảnh các nữ sinh trong trang phục áo
dài trắng xuất hiện trong rất nhiều lời thơ, bài hát. |
“Lãng mạn pattern” hay nói cách khác
“lãng mạn theo mẫu” là nhận xét chung, cách gọi chung của các bậc phụ huynh
chúng tôi khi cùng đến trường họp đầu năm, cùng quan sát, nhìn ngắm một phần
không nhỏ những cô nữ sinh ngày nay trong sân trường vào đầu năm học này.
Cứ nhìn cái cách nheo mắt, đưa hai
ngón tay, ẹo người sang phải đồng loạt, cứ nhìn kiểu bá vai nhau, bàn chân phải
co lên như đang phụ diễn trên sân khấu, cứ nghe những tràng cười ré lên, đấm
nhau thùm thụp như cùng uống lộn một loại thuốc, cứ nghe và nhìn mấy cô nữ sinh
giả giọng lơ lớ vừa hát những ca khúc Hàn vừa xoay người, gập người, dang tay,
đờ mắt một kiểu giống nhau đến “từng xen ti mét”, cứ liếc xem họ chụm đầu vào
ipad, vào smartphone mà “phang toạc móng heo” mọi chuyện bằng thứ chữ nghĩa hổ
lốn phá phách, giết chết tiếng mẹ đẻ, cứ lắng tai nghe họ huyên thuyên với nhau
mấy thứ triết lý tình yêu công nghiệp… mới giật mình tội nghiệp cho cái thế giới
rập khuôn của con cháu mình. Biết rằng mỗi thời mỗi khác, khoảng cách giữa các
thế hệ là điều phải chấp nhận và cả ranh giới những vùng xúc cảm cũng ngày càng
mờ nhòe nơi con người hiện đại nhưng cái xu hướng giả hóa ngay nơi lứa tuổi ngọc
ngà vẫn là điều gì đó làm trĩu ngực các bậc phụ huynh.
Bạn tôi kể rằng đã tận mắt thấy ba
tà áo dài trắng tinh dừng lại bên gốc cây ven đường, họ cùng lận tay vào lưng
quần lấy ra những gói thuốc trắng và chuyền tay nhau hít lấy hít để…
Chị phụ huynh cùng đi họp đầu năm
với tôi đây, kể một câu chuyện làm giật mình những người nghe được. Đó là chuyện
một hôm tình cờ chị bạn của mình mở cặp con gái đang học lớp mười một để kiểm
tra bài vở, mà lâu quá rồi chị ấy tự trách mình vì quá bận công việc nên thiếu
trách nhiệm, thiếu quan tâm đến con. Chị ấy choáng váng, không thể tin vào mắt
mình khi thấy trong ngăn cặp của con gái là vĩ thuốc ngừa thai dở dang…
Vài ví dụ để nói không phải tất cả
đều bệnh hoạn như vậy nhưng để thấy bao nhiêu mối hiểm nguy vô hình đang rình
rập, lấy cắp những gì đẹp đẽ nhất nơi con em chúng ta, từ nhân cách, từ sự bình
yên nơi tâm hồn cho đến những rung động thiêng liêng của cái tuổi trắng trinh
nhất đời người. Tôi nhớ hồi đó lớp tôi có cô bạn được rất nhiều nam học sinh
“mến mộ”, cô ấy đi đến đâu là dường như có sức mạnh nào đó hút hết các cặp mắt
con trai về phía mình, mặc dù cô ấy “không làm gì cả”, không điệu đà õng ẹo thái
quá, không kiêu căng, lập dị, không trang điểm lòe loẹt cầu kỳ… cứ trong sáng,
cứ yểu điệu tự nhiên, nhẹ nhàng nữ tính như một… nữ sinh trung học. Ấy vậy mà
người đó đã được xem là cô gái lãng mạn nhất của trường tôi. Và sau này, chúng
tôi cứ gặp nhau là nhắc đến cô gái lãng mạn đó như dấu ấn khó phai, nhất là hiệu
ứng ngược, cô ấy đã đánh thức sự lãng mạn thứ thiệt ở những bạn bè xung quanh.
Phải chăng sự lãng mạn thứ thiệt là hương thơm tự nhiên của tâm hồn con người!
Và ai đó còn một chút gì không thuộc về những biểu hiện làm cho các bậc phụ
huynh lo lắng thì cho tôi xin lỗi khi đọc đến bài viết ngăn ngắn này! Nhưng
kiểu chi chi thì cái thời lãng mạn thứ thiệt cũng đã xa rồi, chỉ nhắc lại để
nuối tiếc, để thấy các thế hệ đi trước đã từng… chưa thảm hại, để biết một thời
con người còn vẹn nguyên nét đẹp riêng tư.
Nguyễn Hiệp