Chung tay xây dựng hình ảnh điểm

Chung tay xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn, thân thiện

BT- Câu chuyện về du lịch, về định hướng phát triển, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh là những vấn đề trọng tâm, thấy được trong Đại hội đại biểu Hiệp hội du lịch vừa diễn ra. Phút “nói thật” của các doanh nghiệp đã cho thấy những vấn đề mà chính bản thân những nhà kinh doanh du lịch cũng như chính quyền địa phương đang thật sự lo lắng, và hơn thế...

Cùng nhau chia sẻ

Không phủ nhận du lịch đã, đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Điểm lại những cột mốc trong thời gian gần nhất, cho thấy năm 2012 lượng khách đạt 3.141.600 lượt (tăng 11% so năm 2011), đưa doanh thu đạt mức 4.358 tỷ đồng (tăng 27, 05% so năm 2011). Đến năm 2013, ngành du lịch đón 3.525.000 lượt khách (tăng 12,1% so năm 2012), doanh thu đạt 5.474 tỷ đồng (tăng 25,2% so với năm 2012). Kết quả đó đã đưa GDP du lịch chiếm 7,31% GDP của tỉnh. 

Xây dựng hình ảnh điểm đến cần góp sức của cộng đồng

Ông Nguyễn Văn Khoa, thẳng thắn đặt vấn đề: Du lịch Bình thuận đang đặt vào vị thế cạnh tranh không thuận lợi: hạ tầng giao thông, an ninh điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm... Tuy nhiên, ông Khoa cũng nhấn mạnh: Hiện tại, ngay cả các doanh nghiệp du lịch cũng đang tự đặt mình trong “cái khó” khi các khu du lịch 3 sao, 4 sao giá cả không đồng nhất. Đại diện Pandanus resort, kiến nghị: Trong chiến lược ở nhiệm kỳ mới, Hiệp hội cần tham mưu và đề xuất mạnh mẽ chiến lược phát triển du lịch, để Bình Thuận trở thành điểm đến tốt nhất cho du khách và ngành du lịch Việt Nam. Việc quản lý giá cả, ông Hoàng Anh (Tiến Đạt Resort) cho biết, hiện nay tình hình giá cả ở khu du lịch không thể kiểm soát nổi. Ông Hoàng Anh chia sẻ thực tế mà chính ông trải qua: Khi ông đi mua tuýp kem đánh răng nhỏ, các cửa hàng tạp hóa ở những khu du lịch ngỡ ông là khách du lịch nên đưa giá 12.000 đồng. Ông nói vui: “Tôi không phải Việt kiều, là người sống ở đây, thế là người bán lấy giá 6.000 đồng/tuýp”.

Trong một diễn biến khác, khu vực phía Nam của Phan Thiết trải dài từ Tiến Thành đến Hàm Thuận Nam đang là điểm đến mới mẻ cho du khách, tuy nhiên thời gian qua việc thành lập 1 đến 2 chi hội trực thuộc vẫn còn nhiều khó khăn chưa thực hiện được. Đại diện Vườn Đá Resost cho rằng: “Địa hình khu vực này dọc bờ biển nên chăng phải định hướng phát triển theo một đặc thù khác biệt, mới thúc đẩy khu vực phía Nam song hành phát triển. 

Doanh nghiệp tự tìm khách

Bên cạnh những lo ngại về sản phẩm, an ninh du lịch, giá cả, nguồn nhân lực tại địa phương cũng ít nhiều được nhấn mạnh. Hiện nay, có ít nhất 3 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương đang đào tạo về ngành du lịch như Đại học Phan Thiết, Cao đẳng Cộng đồng  và Cao đẳng nghề Bình Thuận. Muốn hay không cả 3 ngôi trường này cũng có những đóng góp tích cực cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, liệu rằng trong quá trình đào tạo có giải quyết được bài toán nguồn nhân lực hiện nay và trong tương lai cho du lịch Bình Thuận?

Nói đến du lịch, nếu không nói đến xúc tiến quảng bá hình ảnh quả thật là thiếu sót. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu quân vào ngôi nhà chung để cùng góp phần xây dựng hình ảnh cho du lịch Bình Thuận. Họ đã chọn con đường riêng, tự “tìm khách” để đưa họ đến với mình. Ông Hoàng Anh (Đại diện Resort Tiến Đạt), cho biết lý do không tham gia vào “ngôi nhà chung”: Tôi nhận thấy, hội chợ ITE – HCMC hàng năm không hiệu quả và mong rằng Hiệp hội cũng nên xem lại hội chợ này. Bên cạnh đó, hàng năm Hiệp hội có đi quảng bá hình ảnh ở một số thị trường trọng điểm (Nga là chính), mà quên những thị trường khác. Ông Hoàng Anh đặt vấn đề: Đến một thời điểm nào đó, thị trường Nga đóng băng thì sao? Chia sẻ những lo ngại của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Hà – Phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng: Để đánh giá hiệu quả ngay Hội chợ thương mại ITE thì rất khó và phải chờ có thời gian để nhìn nhận. Đối với thị trường Nga, ông Hà đưa ra lời khuyên: Không nên phụ thuộc vào công ty lữ hành nào quá lớn, mà tương lai sẽ là những  thị trường nhiều tiềm năng hơn như Đức, Pháp, Thụy Điển, Đài Loan, Ấn Độ... Bài toán về công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh đang là trở ngại rất lớn không chỉ cho ngành du lịch mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là kinh phí. Ông Trần Văn Bình cho biết: Do điều kiện tài chính của Hiệp hội còn khó khăn, nên hạn chế công tác quảng bá xúc tiến. Ông Bình chia sẻ thêm: “Tôi hy vọng UBND tỉnh, đặc biệt là Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh có giải pháp định hướng hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, nhằm tạo điều kiện cho ngành du lịch cũng như các ngành dịch vụ liên quan xây dựng hình ảnh du lịch tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh”.  

Thách thức và ngày càng bị cạnh tranh gay gắt với các khu vực lân cận như Nha Trang, Vũng tàu, Đà Nẵng, Phú Quốc... bởi giao thông đường bộ không thuận lợi, thiếu vắng đường hàng không, nhiều doanh nghiệp du lịch đang rơi vào tình thế bất lợi khi thu hút khách. Quan trọng hơn, Chính phủ xác định Bình Thuận là 3 trung tâm quốc gia: Trung tâm năng lượng, Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch thể thao biển. Nhưng lợi thế, tiềm năng vẫn chưa phát huy và khai thác hết. Vậy nên, cần lắm sự cộng hưởng từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp.

Với cương vị lãnh đạo ngành du lịch, tham dự Đại hội đại biểu Hiệp hội du lịch nhiệm kỳ 2014 – 2016, ông nhìn nhận như thế nào?

Ông Ngô Minh Chính: Về đại hội, các ý kiến của hội viên rất tâm huyết, đặt ra nhiều vấn đề, nổi lên là đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá. Trong thời gian qua, công tác xúc tiến quảng bá gặp nhiều trở ngại về kinh phí. Để giải quyết vấn đề kinh phí, Hiệp hội nên là đầu tàu cùng Nhà nước, Sở Văn hóa TTDL chung tay. Thật ra nguồn kinh phí của Nhà nước không lớn. Để công bằng hơn và cũng để các doanh nghiệp cùng hưởng lợi thì các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp vào quỹ xúc tiến quảng bá du lịch. Sở VHTTDL luôn ủng hộ chương trình này và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội nhiệm kỳ 2014 – 2016. Làm công tác quảng bá không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng dân cư, doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, vận tải cùng tham gia, hưởng lợi.

Thực tế, Quỹ xúc tiến này không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp nằm trong Hiệp hội, mà cần có sự đồng lòng ủng hộ từ nhiều phía, thưa ông?

Ông Ngô Minh Chính: Đúng như thế. Với Hiệp hội thì vận động trong hội viên. Sở sẽ vận động các doanh nghiệp chưa phải là hội viên và các thành phần khác như vận tải chẳng hạn. Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng dân cư, chính quyền các địa phương hiểu về du lịch, cách làm du lịch. Trách nhiệm này không riêng Hiệp hội mà còn có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thực tế theo các doanh nghiệp “giá cả” đang làm ảnh hưởng đến tâm lý chung của du khách. Theo ông, làm thế nào để du khách yên tâm khi đến đây?

Ông Ngô Minh Chính: Tôi nghĩ đây là vai trò của chính quyền địa phương, chính quyền địa phương phải quản lý nhà nước về mặt giá cả. Tuy nhiên, đối với Bình Thuận thì vấn đề này còn kiểm soát được. Tuy vậy chỉ một hay hai nhà hàng vi phạm thì cũng làm mất đi hình ảnh theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ, phải tuyên truyền, định hướng và có biện pháp chế tài, để tạo ra môi trường du lịch tốt, điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách.  

Q.N (thực hiện)

Quang Nhân

Cập nhật ngày 31-07-2014
Xem tin theo ngày