Về Bình Thuận

Về Bình Thuận, du lịch cùng đá

BT- Cùng với nét đẹp dịu dàng của nước, thướt tha của cát, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Bình Thuận nét đẹp trầm tư của đá.

Chùa Cổ Thạch và bãi đá màu ở biển Tuy Phong là những thắng cảnh tuyệt đẹp làm say lòng biết bao nhiêu du khách. Ai một lần đến Tuy Phong, hẳn không khỏi ngẩn ngơ khi nghe tiếng chuông chùa ngân mềm vách núi. Ngôi chùa đá cổ kính nằm trầm mặc bên biển cả mênh mông. Xa hơn chút là bãi đá màu kỳ lạ. Những viên đá mịn nhẵn cỡ nắm tay ken nhau tạo thành bãi.

Dưới ánh sáng huyền ảo lúc hoàng hôn, màu đá lấp lánh trong màu nước xanh lơ, đen, xám, vàng, trắng… bạn có thể chọn cho mình vài viên để kỷ niệm chuyến đi. Điều kỳ lạ nhất, đá như có sức sống, biết lớn, biết thở, biết đi. Đêm đêm từ biển đá trườn lên lấp đầy vào bãi. Đến Tuy Phong, ra về lòng du khách hẳn không khỏi bâng khuâng nhớ đá.

Vào Thuận Quý, du khách lại được chứng kiến nét đẹp kì vĩ khác của đá. Đá ở đây mang vẻ ngạo nghễ, ngang tàng. Hàng ngàn, hàng vạn năm gió biển bào mòn tạo thành những dãy đá thoạt trông giống đoàn chiến mã xông trận. Giữa buổi trưa nồng nàn nắng biển, bên tai bạn như từ xa xưa vọng lại tiếng ngựa hý, gươm khua, tiếng trống, tiếng kèn thúc trận. Thuận Quý, điểm du lịch nổi tiếng của Hàm Thuận Nam. Về Thuận Quý ngoài thú tắm biển, nghe đá xung trận, khách còn tự tạo cho mình thú vui đi bắt ghẹ đá. Những con ghẹ có lớp vỏ dày, cứng, nằm náu mình trong các gộp đá ven biển, bạn cứ tha hồ lục tìm, túm được con nào nướng ngay con ấy, thật tuyệt vời nếu có thêm xị rượu gạo… Ngoài đá Thuận Quý, Hàm Thuận Nam còn có đá Hòn Lan. Những dãy đá xám xịt xếp chồng nối tiếp. Không như đá Thuận Quý, cứng cáp, ngạo nghễ, đá Hòn Lan là loại đá xốp, mặt lồi lõm, loang lỗ, khoét tạo đủ hình thù, hang động, mang vẻ đẹp ngậm ngùi, kì bí. Hòn Lan một thắng cảnh đẹp, hữu tình, nơi có truyền thuyết về cái chết đau thương do cá rô chui vào cổ họng của người con gái quê nghèo Mũi Điện.

Về Thuận Nam, du khách còn có dịp ghé Kê Gà, chèo thuyền ra biển thăm đảo đá, nơi có ngọn hải đăng cao vời vợi và rừng sứ già hoa trắng nở đã suốt trăm năm.

Chẳng tốn thời gian gì cho lắm, mời du khách tiếp tục xuôi Nam, dừng chân ở Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, du khách tiếp tục cuộc rong chơi với đá và biển. Mõm Đá Chim, thắng cảnh du lịch tuyệt vời. Đá nhấp nhô trên sóng, đá nấp trong cát, đá xôn xao trong gió, một nét đẹp thẫn thờ, trầm mặc.

Đến Bình Thuận, đi đâu, về đâu, du khách đều có thể tìm gặp nét đẹp riêng của đá. Với Hòn Bà - La Gi, ở hòn đảo nhỏ cách bờ 2km này, du khách có dịp tận mắt trước sự lung linh màu đá trong từng hang động. Đá Hòn Bà xanh lơ theo màu trời, màu nước, mang nét đẹp dịu dàng, sâu lắng. Những chú hàu, những chị vú nàng bám trên vách đá luôn là món ăn ngon, lạ để du khách nặng lòng với đảo.

Ô hay! Sao lại không mời quý ông, quý bà thăm đá Ông Địa, lầu Ông Hoàng. Vâng xin được trân trọng: “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng gầy nhớ câu chuyện xưa…”.

NGÔ VĂN TUẤN

Cập nhật ngày 30-07-2014
Xem tin theo ngày