Lan Mokara bén rễ vùng đất du lị

Lan Mokara bén rễ vùng đất du lịch Bình Thuận

BT- Kinh tế phát triển, nhất là khi ngành du lịch địa phương tăng trưởng mạnh mẽ thì nhu cầu sử dụng hoa lan vào dịp lễ tết, hội nghị - hội thảo, dịp cuối tuần… càng tăng cao. Với vùng đất được mệnh danh “thủ đô resort Việt Nam”, việc tiêu thụ hoa tươi mà chủ yếu là các loại lan cao cấp cho điểm đến du lịch biển Bình Thuận dường như luôn trong tình trạng thiếu hụt. Do vậy cách đây một năm, Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết đã phối hợp triển khai đề tài “Xây dựng mô hình trồng lan Mokara cắt cành phục vụ nhu cầu du lịch và phát triển kinh tế - xã hội”…

Mô hình trồng lan Mokara tại xã Phong Nẫm - Phan Thiết

Đề tại được triển khai thực hiện từ tháng 5/2013 tại hộ ông Đặng Công Trúc - xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết có quy mô diện tích ban đầu 120 m2, với tổng cộng 300 cây lan Mokara. Sau thời gian thiết kế mô hình nhà lưới và gắn béc phun mưa, đến cuối tháng 10 năm ngoái thì bắt đầu xuống cây giống được đề tài chọn nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan. Trong đó gồm có 100 cây giống Mokara sắc đỏ, 100 cây giống cho hoa sắc cam và 100 cây giống Mokara sắc vàng trồng theo luống, thân cột chặt vào các ống nhựa để tạo thuận lợi cho lan sinh trưởng.

Qua tìm hiểu được biết, thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình trồng lan Mokara cắt cành phục vụ nhu cầu du lịch và phát triển kinh tế - xã hội” còn có sự tư vấn của Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh. Theo đó, mục tiêu của đề tài là xúc tiến tuyển chọn giống Mokara có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của Bình Thuận, hình thành mô hình trồng lan Mokara cắt cành tại xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết và hướng đến nhân rộng mô hình… Đến thời điểm này, vườn lan Mokara trồng thí điểm với 3 sắc màu đã bén rễ, sau thời gian 3 - 6 tháng thì bắt đầu cho hoa với chiều dài phát hoa từ 45 - 60 cm.

3 sắc lan Mokara

Đánh giá kết quả thực hiện, cơ quan chủ trì đề tài là Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết cho biết: Được chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật, nên vườn lan phát triển khỏe mạnh, không có hiện tượng bị bệnh do nấm, vi khuẩn. Với mô hình này, hộ tham gia đề tài tại xã Phong Nẫm đã bước đầu cắt bán được 50 cành lan Mokara sắc hoa màu vàng với giá 12.000 đồng/cành. Trong thời gian tới, khi giống lan Mokara có sắc hoa màu đỏ và màu cam cho thu hoạch thì giá trị kinh tế đem lại từ mô hình thí điểm sẽ tăng lên đáng kể. Bởi theo số liệu thống kê của Vụ Kế hoạch - Bộ NN & PTNT, mô hình trồng lan Mokara cắt cành có khả năng đem lại doanh thu mỗi năm khoảng từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha…

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, Mokara là loại lan công nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm thương mại (hoa cắt cành) với quy mô lớn và hoàn toàn phù hợp điều kiện ở vùng đất du lịch Bình Thuận. Như vậy, kết quả của đề tài sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều người dân địa phương học hỏi, nhân rộng mô hình để góp phần đa dạng hóa cây trồng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cũng nên khuyến khích hộ tham gia trồng lan Mokara mạnh dạn đầu tư thêm những sắc hoa khác như hồng, tím… nhằm đa dạng sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Đ.QUỐC

Cập nhật ngày 10-06-2014
Xem tin theo ngày