Hoàn thành giai đoạn 1 tìm sản p

Hoàn thành giai đoạn 1 tìm sản phẩm lưu niệm đặc trưng

BT- Du lịch Bình Thuận dù phát triển mạnh mẽ trong gần 20 năm qua, song vẫn loay hoay và chưa thể tìm ra những sản phẩm lưu niệm đặc trưng tương xứng. Chính vì vậy mà trước đây, UBND tỉnh đã chính thức đặt hàng cho Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận gánh vác “sứ mệnh” nghiên cứu, chế tác các mẫu sản phẩm nhằm phục vụ phát triển du lịch…

Đề tài khó…

Đề tài mà UBND tỉnh đặt hàng Trường Cao đẳng Cộng đồng có tên: “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận phục vụ du lịch”. Đề tài này do TS. Phạm Thị Minh Hạnh - Phó hiệu trưởng của trường làm chủ nhiệm, được triển khai thực hiện trong thời gian 24 tháng (bắt đầu từ tháng 11/2012 đến tháng 10/2014) và hiện nay đã kết thúc giai đoạn 1.

TS. Phạm Thị Minh Hạnh - Chủ nhiệm đề tài giới thiệu sản phẩm

Nói đến đề tài “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận phục vụ du lịch”, hầu hết các ngành đều cho rằng đây là việc khó vì cần đáp ứng đúng mục tiêu như tên gọi. Cụ thể kết quả thực hiện đề tài phải xác định được các dòng sản phẩm, loại sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu khách du lịch. Đồng thời, đề tài còn phải xây dựng quy trình công nghệ sản xuất các dòng sản phẩm lưu niệm tiêu biểu cho địa phương, từ đó tiến hành chế mẫu đưa vào sản xuất thử nghiệm…

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, nội dung xác định các dòng sản phẩm tiêu biểu cho Bình Thuận cũng như xây dựng quy trình công nghệ, chế mẫu đã đạt những kết quả khả quan dù đề tài gặp không ít khó khăn. Đây còn là cơ sở để địa phương tiếp tục triển khai giai đoạn 2, nhằm sớm tìm ra những sản phẩm lưu niệm chủ lực phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

…Và công phu

TS. Phạm Thị Minh Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Theo lý thuyết thì sản phẩm lưu niệm phải chứa đựng thông điệp của vùng du lịch được khách ưa chuộng. Do vậy đề tài tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ và chế mẫu sản phẩm đều hướng đến những địa danh, cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng ở địa phương. Trong đó tập trung nhiều nhất là biểu tượng Tháp nước, Tháp PôSah Inư, Đồi cát bay Mũi Né, bãi biển Hàm Tiến, trái thanh long…

Một số mẫu sản phẩm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau

Và thật bất ngờ khi mới đây vào cuối tháng 5/2014, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận phục vụ du lịch” đã giới thiệu cùng lúc đến 45 sản phẩm mẫu. Trong số này có 10 sản phẩm bằng nguyên liệu chủ yếu là vải, như: hộp vải (tròn, vuông, lục giác), tranh thêu, tranh hoa, túi xách, nghệ thuật trang trí Chăm Pa. Riêng với dụng cụ chặn giấy cũng có 8 mẫu sản phẩm bằng vật liệu không nung với lối thiết kế 3D công phu về trái thanh long, Thần Shiva, vũ điệu Chăm… Ngoài ra còn có nhiều mẫu sản phẩm từ nguyên liệu kim loại, gỗ, giấy, thủy tinh, chất dẻo mà khi “ra mắt” đều nhận được lời khen về sức sáng tạo và sự kỳ công.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Tâm - Trưởng BCĐ Phát triển du lịch Bình Thuận, đề tài đã thực hiện đúng tiến độ và thể hiện trách nhiệm cao. Từ kết quả này, địa phương sẽ tập trung triển giai đoạn 2 của đề tài nhằm tìm ra dòng sản phẩm đặc trưng đáp ứng các tiêu chí: đẹp, nhẹ, dễ vận chuyển, giá thành phù hợp… để góp phần phục vụ phát triển du lịch địa phương.

QUỐC TÍN

Cập nhật ngày 29-05-2014
Xem tin theo ngày