Đám cưới của người Chăm
Đám cưới của người Chăm
BT- Đám cưới tiếng Chăm là Đam
Likhah hay Đam Bbang mưnhum, tổ chức vào các tháng 3, 6, 10 và 11 Chăm lịch (kém
tháng dương lịch 2 tháng). Cưới vào ngày chẵn hạ tuần thuộc Mẹ (âm): 2, 4, 6, 8,
10, 12 và 14 Chăm lịch.
Người Chăm cưới hỏi theo chế độ mẫu
hệ, nên gái hỏi chồng, và người con trai theo về nhà gái. Người Chăm có 3 tôn
giáo chính: Bà-la-môn, Bàni và Islam. Ngày xưa, hôn nhân giữa các tôn giáo này
bị cấm. Cấm quyết liệt, dẫn đến chia ly và cái chết. Sự thể đã được lưu truyền
trong ca dao tục ngữ, cả trong văn chương. Con của người đàn ông Bàni lấy nữ
Chăm Bà-la-môn không được vào Kut chính; còn con của những đàn ông Bà-la-môn và
chính người đàn ông ấy thì phải làm lễ vào đạo vợ. Đằng nào cũng nhiêu khê cả.
Ngày nay, sự phân biệt ấy đã giảm đi thấy rõ.
Có thể nói, đám cưới Chăm xưa với
nay khác nhau không nhiều lắm. Trong tác phẩm Vương quốc Champa (Le Royaume du
Champa), G. Maspéro diễn ta đại ý: Hôn nhân ở dân tộc Chăm thông qua một người
mối. Người này mang ít vàng, bạc, hai hũ rượu… đến nhà người con gái cầu hôn.
Nếu thuận, hai bên định ngày cưới. Trong ngày cưới, người con trai cùng khách
khứa, họ hàng qua nhà gái. Mọi người tụ họp ăn uống, nhảy múa, ca hát… Người
Chăm quan niệm đàn ông chỉ có vai trò thứ yếu, chỉ đàn bà mới quan trọng. Người
mai mối dẫn chàng rể tới gần cô dâu, cầm tay hai người để họ nắm tay nhau, miệng
đọc câu chúc tụng. Một điều đáng lưu ý là, ngày xưa đàn ông tới hỏi, ngày nay
thì ngược lại.
|
Ông bà mai chú rể. |
Đám cưới của người Chăm Bà-la-môn và
Bàni ngày nay vẫn còn giữ được truyền thống từ ngàn xưa. Trước tiên là lễ dạm
hỏi Palwak panôic - do ông bà mai ông muk janhuk bên gái qua nhà trai. Thường
thì câu nói cửa miệng là: Nao dwah kabao đi tìm trâu tốt cho mùa vụ. Rồi lễ hỏi
Nao pôic. Với lễ vật đơn sơ: trầu cau, rượu, bánh trái, pei nung bánh tét, và
nhất là có cá đuối ikan yau tượng trưng cho sinh sôi nảy nở.
Theo sau lễ dạm hỏi, còn có Pakloh
panôic “dứt lời”. Đại diện hai họ quyết về ngày tháng tổ chức, số thực khách… Đã
“dứt lời” rồi thì không còn có thể thay đổi được nữa. Cuối cùng là lễ cưới Harei
bbang mưnhum.
Người Chăm quan niệm đời người có 3
lần sinh. Cưới là lần sinh thứ hai. Ở đây không phải cha mẹ sinh thành đứng ra
“sinh” mà là ông Inư Amư có thể dịch là cha mẹ đỡ đầu. Chuẩn để làm cha mẹ đỡ
đầu là họ chưa hề nửa đường đứt gánh kloh yot, có tuổi tương đương tuổi cha mẹ
“thực”, và biết về phong tục tập quán để có thể thực hiện vài nghi thức trong
đám cưới. Cha mẹ đỡ đầu thay mặt cha mẹ thực hiện tất cả thủ tục cuộc lễ. Chỉ
sau đó, cha mẹ thực có qua nhà đàng gái.
Lễ cưới tiến hành 3 bước: Ngày thứ
tư, khởi đầu đám cưới là ở nhà trai với lễ vật rất đơn sơ, vì không quan trọng.
Khoảng 2 - 3 giờ chiều, cha đỡ đầu dẫn chú rể và đoàn người thuộc họ đàng trai
ra khỏi nhà để đi qua nhà gái. Nhà gái làm lễ đón rể Rok anưk mưtau ở ngoài cổng
làng, vào nhà.
|
Chú rể và cô dâu vào phòng làm các thủ tục
lễ nghi cần thiết. |
Lễ chính diễn ra ở nhà gái. Ở đây,
chú rể được dẫn vào phòng cô dâu làm các thủ tục lễ nghi cần thiết, như hai bên
trao trầu cau cho nhau, chàng rể trao áo cho cô dâu. Sau bữa tiệc đãi họ đàng
trai, cha mẹ đỡ đầu làm thủ tục gởi chú rể Paywa anưk mưtau rồi trở về nhà.
Tại phòng the, trong ba ngày đêm
người ta giữ cho cây nến sáp cháy liên tục trên cỗ bồng trầu Thông hala, ngăn
cách cô dâu với chú rể. Chỉ sau khi cỗ bồng trầu này được dọn đi, vợ chồng mới
được động phòng. Ngày thứ bảy là ngày Talơh khan ao. Nhà gái qua nhà trai làm lễ
tạ rồi mang “quàn áo” chú rể qua nhà vợ. Họ chính thức trở thành vợ chồng Hadiup
pathang.
Về phong tục tập quán lẽ thường là
vậy, nếu gia đình hai bên hay cặp gái trai có điều kiện kinh tế tối thiểu. Còn
gặp trường hợp gia cảnh cả đàng trai lẫn đàng gái không cho phép tổ chức đám
cưới bằng chị bằng em drơh palei drơh nưgar, họ có thể làm đám cưới lén Bbang
mưnhum klek. Cũng ngày lành tháng tốt, chiều tối thứ tư khi mặt trời vừa lặn,
vài anh em trong họ dẫn chú rể qua nhà cô dâu. Ăn ở với nhau có một mặt con, gia
đình trẻ cùng cha mẹ bên đàng gái dắt díu nhau về bên nhà trai làm lễ “thú” họ
hàng. Coi như xong đám cưới.
Dù rất hiếm khi xảy ra, gặp trường
hợp bất hòa, ông chồng bỏ về nhà cha mẹ, bên đàng gái cũng qua làm lễ thú cho
ông chồng này về với vợ. Hay nặng hơn, nếu có ly dị pakloh gaup, hai bên dẫn
nhau ra trước hai họ làm thủ tục chẻ đũa Blah dwơh. Khi ly dị, dù có thể vợ
chồng đưa nhau ra tòa đúng thủ tục hành chính, thế nhưng tuyệt đại đa số ông
chồng Chăm không mang của cải theo mình, mà để lại tất cả cho vợ nuôi con cái.
Inrasara