Tranh cát Bình Thuận phấn đấu độ
Tranh cát Bình Thuận phấn đấu độc đáo, khác biệt tranh cát Khánh Hòa
BT- Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), hấp
dẫn du khách trong và ngoài nước không chỉ ở tháp mà còn là những mặt hàng thủ
công mỹ nghệ được hình thành từ chính bàn tay của các nghệ nhân địa phương. Có
thể nói, những sản phẩm nơi đây đã góp phần níu chân du khách.
Đó là những quầy hàng dệt thổ cẩm
của người Chăm, gian hàng trưng bày tượng đất nung, hay tranh thư pháp. Và thu
hút khách du lịch nhất chính là gian hàng tranh cát Hồng Châu Sa với hàng trăm
bức tranh về phong cảnh và con người Nha Trang được làm bằng chất liệu từ cát
thiên nhiên với nhiều màu sắc khác nhau. Tại đây, du khách đã đi từ bất ngờ này
đến bất ngờ khác khi tận mắt chứng kiến nghệ nhân tranh cát – bà Trần Thị Thu
đang thao tác uyển chuyển và phối màu cát theo từng nét vẽ để tạo thành những
bức tranh cát tuyệt đẹp. Khi biết chúng tôi – du khách đến từ Bình Thuận, nghệ
nhân “ồ” lên, giọng vui vẻ hẳn: “Phan Thiết có tranh cát Phi Long cũng khá có
tiếng!”
|
Những tác phẩm tranh cát Hồng Châu Sa.
|
Ở độ tuổi 70 nhưng đôi mắt nghệ nhân
Trần Thị Thu vẫn còn tinh anh, đôi tay vẫn khéo léo. “Vẽ tranh cát là nghệ
thuật sắp xếp các màu sắc của cát theo những hình khối, đường nét tạo hình để
tạo nên những bức tranh, bức chân dung theo ý muốn. Điểm độc đáo của tranh cát
là không dùng chất nhuộm màu và keo kết dính, chỉ là nén thật chặt cát lại khi
vẽ mà thôi!”. Bà Trần Thị Thu vừa thao tác vừa giải thích cho chúng tôi.
Cũng theo nghệ nhân, bà sáng tạo ra
các dòng tranh nghệ thuật này dựa trên những kiến thức đã học ở Trường Mỹ thuật
Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Cát mang về được bà làm sạch, phơi
khô rồi sàng lọc, phân loại theo màu sắc và kích thước để có được thứ bột cát
mịn và tinh khiết. “Những ngày đầu bắt tay vào sáng tạo tôi gặp không ít khó
khăn, nhưng rồi bằng sự đam mê và kiên trì, dần dần cũng vượt qua” – nghệ nhân
nhớ lại.
|
Nghệ nhân Trần Thị Thu đang chế tác tranh
cát. |
Ngoài tranh cát trong khung, nghệ
nhân Trần Thị Thu cũng vừa sáng tạo kiểu tranh cát đựng trong ly rượu vang, loại
tranh này đang rất được du khách ưa chuộng vì kiểu dáng gọn nhẹ lại có tính thẩm
mỹ cao.
Để hình thành loại tranh mới này, bà
đổ cát vào ly rồi theo đó vẽ nên những bức tranh sống động, những chữ thư pháp…
quanh thân ly. Sau khi hoàn thành, bà cho gắn keo để đóng khung tranh lại, nhờ
vậy cát trong ly không bị xô lệch khi vận chuyển bằng đường bộ hay đường hàng
không.
Nhìn những tác phẩm tranh cát sống
động đủ màu sắc, nhiều người ngỡ ngàng như khi thấy lại vùng quê nào đó mà mình
đã đi qua.Với chúng tôi, những người có dịp tận mắt trông thấy nghệ nhân sáng
tác tranh cát Hồng Châu Sa thu hút khách, không khỏi ao ước tranh cát Phi Long
ở Phan Thiết tạo được nét riêng, và sự độc đáo, tạo thu nhập chính đáng cho
người sáng tạo ra nó, đồng thời góp phần tạo ra một dòng tranh riêng có của mỹ
thuật Việt Nam.
Trinh Thơ