Du lịch Bình Thuận
Du lịch Bình Thuận: Bảo tàng văn hóa biển - sao không ?
BT- Việt Nam là đất nước biển. Bình
Thuận là tỉnh biển, xứ biển. Điều đó là hiển nhiên không thể tranh cãi. Tuy
nhiên, Bình thuận cũng như nhiều tỉnh, nhiều vùng biển trong cả nước mới chỉ
dừng lại ở việc khai thác đánh bắt hải sản từ biển, đầu tư du lịch biển và xa
hơn nữa (như Bình Thuận) là khai thác sự giàu có về gió biển, gió trời để làm ra
phong điện, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế… Bình Thuận như nhiều tỉnh
chưa thấy, hoặc đã thấy nhưng chưa đánh giá hết giá trị của văn hóa biển
trong phát triển kinh tế - xã hội, mà gần nhất là hỗ trợ du lịch phát triển.
Tuy nhiên, trước khi làm rõ vai trò của văn hóa biển, chúng ta cần hiểu văn hóa
biển là gì? Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội - có nhiều năm khai
quật khảo cổ học tại nhiều di chỉ nổi tiếng của Việt Nam như: Sa Huỳnh, Ốc
Eo...) phát biểu ở triển lãm Di sản văn hóa biển Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử
quốc gia tháng 5 năm ngoái, thì văn hóa biển chính là “sống với biển, khai
thác biển, triết lý và tư duy về biển”. Như vậy, văn hóa biển là bức tranh
khái quát về đời sống vật chất - tinh thần của con người quanh chiếc nôi biển.
Văn hóa biển của mỗi quốc gia vừa có nét chung vừa có nét riêng, qua đó phản ánh
sự phát triển của từng quốc gia ven biển... Đây chính là lý do giải thích vì
sao nước Nhật, Singapore, Brunây, Philippines… đều xây dựng Bảo tàng văn hóa
biển, hoặc đưa văn hóa biển vào các bảo tàng quy mô và hiện đại của họ. Tại quốc
đảo Singapore, Bảo tàng Sáp là một trong những nơi trưng bày nhiều hình ảnh về
văn hóa biển. Đó là hình ảnh đời sống của dân Sing trước khi lập quốc, cảnh
người dân đánh bắt trên biển, vận chuyển hàng hóa trên cảng biển… Văn hóa biển
còn được đất nước này giới thiệu qua loại hình nhạc nước nổi tiếng trên đảo
Sentosa, trong đó nổi lên câu chuyện về những ngư dân của một làng chài đã
tranh đấu với thủy thần để bảo vệ cuộc sống, gia đình họ cùng tình yêu đôi
lứa… Trong khi đó, tính đến nay, trong cả nước ta có đến 138 bảo tàng các
loại nhưng chưa có Bảo tàng văn hóa biển nào (Nha Trang chỉ có bảo tàng
biển). Bảo tàng văn hóa biển Việt Nam chính là nơi cho người ta thấy chiếc ghe
bầu của đầu thế kỷ 20 khác với thuyền gỗ của cuối thế kỷ như thế nào; giúp con
người ta biết thế nào là hát bả trạo, hò kéo lưới; là nơi mà du khách sau khi
vào tham quan nghiên cứu, tìm hiểu, có thể biết được lịch sử phát triển của
quốc gia biển Việt Nam khác với lịch sử phát triển của quốc gia biển
Philippines... Nói khác đi, văn hóa biển là sự nối tiếp của vô số hoạt động
sinh tồn của nhiều thế hệ và lưu giữ trong đó bản sắc văn hóa của một vùng
miền, một quốc gia. Văn hóa biển tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách
nói chung và khách nước ngoài nói riêng. Đây là lý do tại sao, những năm gần
đây các nhà khoa học của Việt Nam đã đề cao văn hóa biển, coi văn hóa biển là
một yếu tố để phát triển.
|
Du khách tham quan Bảo tàng Hải dương học Nha
Trang. Ảnh: Internet |
Trở lại với câu chuyện Bình Thuận.
Đã nhiều năm nay, du lịch Bình Thuận thiên về nghỉ dưỡng, thiếu yếu tố khám
phá, vui chơi giải trí; thiên về sự hiện đại, sang trọng mà chưa coi trọng yếu
tố hoang sơ, dân dã, đặc trưng văn hóa vùng miền để tạo nên sự riêng có, trong
đó có văn hóa biển. Vì vậy, thiết tưởng sẽ không là lãng phí nếu Bình Thuận
thông qua xã hội hóa, kêu gọi đầu tư Bảo tàng văn hóa biển (mi ni) tại Phan
Thiết hoặc một nơi nào đó trong tỉnh. Đó là nơi mà sau khi bước vào, du khách
sẽ trông thấy mô hình Trường Dục Thanh, cảnh ngư dân đánh bắt cá, cảnh nhà lều
chế biến nước mắm; tìm hiểu bộ sưu tập các câu hò vè ngư nghiệp, trang phục ngư
dân đầu thế kỷ 20…
Bảo tàng văn hóa biển là nơi giúp du
khách hiểu Bình Thuận hơn để càng thêm yêu, mong ước trở lại. Và như thế là,
ngành du lịch của tỉnh càng có cơ hội phát triển.
Hà Thanh Tú